Hoa nhuộm thắm nẻo đường Xuân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đan xen trong tiết trời Xuân đặc trưng, không chỉ những tâm hồn viễn xứ phương xa ủ chín giấc mơ cố hương, thúc giục bước chân vội vã trên trăm nẻo đường về, mà cũng thấy muôn sự tất bật, xuôi ngược mưu sinh mong ước về Tết đủ đầy.
Hoa ngày Tết nguyên vẹn như lời hẹn ước trước sau, qua thăng trầm thời gian là mạch chảy tiếp dẫn giữa bao Xuân
Hoa ngày Tết nguyên vẹn như lời hẹn ước trước sau, qua thăng trầm thời gian là mạch chảy tiếp dẫn giữa bao Xuân

Vài chục năm trước, nhà văn Nguyễn Tuân đã chấm phá những khoảng màu rất riêng và đặc trưng của Tết, trong đó thấy rất nhiều hoa, rất nhiều vòng quay bộn bề, tất bật. Trong tác phẩm Tôi bán 5 cành hoa Tết, nhà văn Nguyễn Tuân miêu tả: “Phố Cống Chéo phía Hàng Lược, chiều vào Tết, chuyển thành phố của mầu và của mùi. Như mọi lần năm hết trên Thủ đô thân mến, cái phố bình thường lại hóa ra một phố hoa không tầm thường. Tất cả Hà Nội thẩm mỹ đều gặp nhau ở phố hoa sông Tô Lịch, Đào trôi lòng phố, hương bay gậm cầu. Trước tết dăm ngày, đào, mai, quất, cúc… vẫn đứng giá. Ngày áp Tết, giá hoa Tết lên lên xuống xuống. Có bà, có chị hụt mất hoa Tết vì thi gan với các “hiệu” hoa, cho rằng tối ba mươi, thế nào hoa ế cũng phải bán tống bán táng đi. Nhưng vào cái phút cuối cùng của chiều ba mươi Tết, người bán hoa và người chuốc hoa vẫn găng nhau…”.

Gắn liền với hoa, Nguyễn Tuân miêu tả về sự bao bọc, ôm ấp để hoa rực rỡ hơn: “Tôi lượn giữa chợ hoa này trên lòng sông cũ, thấy thèm mua một cái lọ. Ờ, Trường Mỹ thuật Công nghiệp có lò gốm, triển lãm nhiều dáng lọ và men gốm rất khá, sao lại không cho vài bàn độc ra đây mà chào khách nhỉ. Cành hoa thơm ở tôi, cắm vào cái lọ đẹp của chị bán ra, ấy mới là viên mãn và đầy đủ một sự hoa, một việc hoa”.

Rõ ràng có sự ganh đua bán mua nhưng không giống ngày thường bởi nó bị phai mờ nhờ sự phấn khởi, hòa nhã, nhờ tính Xuân dịu dàng, bao dung như ẩn ý của Nguyễn Tuân: “Người Việt Nam thích hoa, thích cười. Cho nên cũng độ lượng mà đem cả ý hoa vào những cảnh nhiều ẩm ướt của rêu mốc… Mốc lên hoa, mốc ra hoa trên nong nếp làm tương, trong chum gạo ủ men”…

Tết con Mèo này rất xa so với Tết trong khung cảnh, thời khắc nhà văn Nguyễn Tuân để tâm hồn mình bay bổng. Cách biệt thời gian, nhưng nguyên vẹn nhiều thứ, đó là cảnh tất bật, đó là sự thủy chung của mầu hoa, của rêu mốc cũ kỹ, những thứ tưởng sẽ mờ vào chốn hoài niệm. Hoa ngày Tết như hiện thân, hồn cốt văn hóa cổ truyền. Hoa ngày Tết nguyên vẹn như lời hẹn ước trước sau, qua thăng trầm thời gian là mạch chảy tiếp dẫn giữa bao Xuân.

Tết con Mèo này vẫn thấy tất bật nhiều chợ hoa trên vỉa hè phố mới và trong lòng các phố cũ. Hoa từ làng Nghi Tàm, Quảng Bá, Liên Mạc, hoa từ Hưng Yên, Thái Bình… được chọn mua trong ánh mắt muôn người. Thấy cành thược dược cánh dày, thuôn vàng, có cành khẳng khiu rêu mốc điểm trĩu chấm đỏ thắm hoa đào, có mong manh phớt tím của lay ơn, lấp lóa màu trắng tinh khôi của cúc đại đóa, nổi bật kiêu sa vàng óng của hoa mai vàng, có hoa thủy tiên nhụy vàng thanh mảnh, có hoa ly dịu dàng tỏa hương thơm ngát, có hoa hải đường bung nụ… Hoa tất bật nhưng vui tươi, hoa đợi chờ chèo kéo tranh mua rồi an nhiên theo chân người, để yên ấm và thêm rực rỡ trong một không gian Tết gia đình sum họp.

Không chỉ tất bật hoa, còn thấy xuôi ngược màu xanh lá dong, thứ lá đã được tỉ mẩn cắt tỉa, xếp bó vào độ mùng chín tháng Chạp. Lá dong từ thôn Tràng Cát (Thanh Oai) ngoại thành Hà Nội ùn dài đến dăm ba phố nhỏ cạnh chợ Đồng Xuân. Lá dong được ồn ã chọn mua, được gánh gồng, đưa chuyển về muôn nẻo miền quê, phố lớn bé. Ngày Tết có bao giờ thiếu được vị bánh chưng thơm mùi nếp, thịt mỡ, vì thế ngày Tết sẽ không bao giờ thiếu màu xanh của lá dong.

Bánh trái cũng tưng bừng sum họp. Bánh vừng tròn trịa sau những gắng mình trong lò lửa đỏ, khuôn kẹo lạc chữ nhật đều đặn, bánh đậu xanh trong chiếc vỏ in hình rồng bay, bánh xu xê lấm chấm hạt vừng; những phong oản xếp hình ngũ hành ngay ngắn; bưởi ngọt, cam sành, chuối buồng, khóm dứa, chùm sung... Rồi nhiều nguyên liệu, gia vị để món ăn ngày Tết đậm đà: mũ nấm hương, lá mộc nhĩ mỏng xâu mình trên lạt tre; túi măng vầu, măng nứa khô; cuộn miến dong trắng, gói hạt tiêu đen; bó hành củ treo mình lủng lẳng trên đôi quang gánh của bà cụ già… Chiếc lư hương hình quả đào, đôi hạc đậu trên lưng rùa màu đồng thẫm cũng san sát cạnh nhau trong các cửa hàng trên phố Hàng Đồng, trong chợ đồ cổ họp chiều muộn cuối năm phía Hàng Lược, Hàng Mã, Hàng Rươi…

Bao thứ quen mà lạ như chỉ dành riêng cho Tết, đều hối hả theo sự vội vã của những tảo tần mưa nắng, bán mua. Tết đủ đầy cũng là Tết đong đủ tất cả vui, buồn, yêu thương, vất vả.

Tết tô điểm hoa thêm rực rỡ và soi rõ bên trong sự mỏng manh của hoa cái tính kiên cường như ẩn ý nhà văn Nguyễn Tuân cảm thán hoa vào dịp Tết: “Từ ngày ta có sử viết, có lẽ hoa vẫn nở đều từ biển đến núi sông trong kia, từ khắp đồng ruộng dưới này thấu hết đồng rừng trên ấy. Cho đến những nơi sỏi đá khô cằn nhất, hoa sim hoa mua cũng đem tới một cái cười... Ở chỗ xa xôi biên phòng như châu Điện Biên, tôi tần ngần một cách vui vui bên những đóa hoa riềng dại mầu tím hường mọc trên bờ ruộng chiến trường cũ và nông trường ngày nay. Hình như đất nước ông bà vẫn hằng nhủ ta rằng: bất cứ mùa nào, bất cứ ở chốn nào sông núi, cũng sẵn một cành hoa địa phương...”. Đúng như vậy, trong tất thẩy không gian, thời gian và đặc biệt trong mùa xuân yêu thương, trong Tết sum họp, hoa luôn thắm nở, hoa thực sự minh chứng cho sức sống, tâm hồn, ý chí của người Việt.