Hoãn thi hành Bộ luật hình sự, chờ Quốc hội sửa luật

Sáng 30/6, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Nghị quyết của Quốc hội về hiệu lực của Bộ luật hình sự 2015.
Hoãn thi hành Bộ luật hình sự, chờ Quốc hội sửa luật

Bộ luật Hình sự (sửa đổi) gồm 3 phần, 26 chương và 426 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016, nhưng trước đó, ngày 27/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải triệu tập gấp cuộc họp với trưởng đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố để thảo luận về việc hoãn thi hành.

Sau đó, các trưởng đoàn ĐBQH đã đem phiếu về địa phương, phát cho từng ĐBQH để các đại biểu bỏ phiếu, niêm phong và cử người đem ra Hà Nội. Việc kiểm phiếu diễn ra ngày 29/6, tại Nhà Quốc hội.

Tại cuộc họp báo, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, có 449 phiếu được phát ra, thu về 438 phiếu, có 423 phiếu đồng ý với việc hoãn thi hành, tương đương tỷ lệ 85,63%.

Theo đó, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 144 hoãn thi hành Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, thay vì sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày mai, 1/7/2016.

Một dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 cũng được bổ sung vào chương trình xây dựng Luật và pháp lệnh năm 2016.

Nghị quyết của Quốc hội cũng nêu rõ tiếp tục áp dụng Bộ luật hình sự năm 1999 (được sửa đổi bổ sung một số điều năm 2009), Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 (được sửa đổi bổ sung năm 2009), Nghị định số 89 năm 1998.

Để xảy ra sai sót này có trách nhiệm của Quốc hội và trong đó có trách nhiệm cá nhân tôi, tôi thấy có lỗi với cử tri trong việc này."Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Đồng thời, áp dụng các nguyên tắc có lợi cho người phạm tội đã được quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự 2015 và điểm b khoản 1 Nghị quyết 109/2015/QH13, tiếp tục áp dụng khoản 2 Điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết 109/2015/QH13.

Ông Nguyễn Văn Luật, Phó Chủ nhiệm UBTP của Quốc hội thừa nhận sai sót này thuộc về Quốc hội và toàn thể các đại biểu Quốc hội. Ông Nguyễn Văn Luật, với tư cách là một đại biểu Quốc hội, từng nhấn nút thông qua bộ luật này, cũng nhận trách nhiệm cá nhân trước cử tri.

“Trên cơ sở báo cáo, những sai sót chủ yếu về lỗi kỹ thuật, còn chủ trương của Đảng và Nhà nước về luật hình sự thì không sai. Nhưng những lỗi kia sẽ ảnh hưởng đến việc thi hành, áp dụng... có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc oan sai” – ông Nguyễn Văn Luật nói.

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận trách nhiệm cá nhiệm cá nhân: “Để xảy ra sai sót này có trách nhiệm của Quốc hội và trong đó có trách nhiệm cá nhân tôi, tôi thấy có lỗi với cử tri trong việc này”.

Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, việc xác định trách nhiệm của các cơ quan chức năng thì tới đây tiếp tục làm rõ trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cụ thể nhất là cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra. Việc có xin lỗi hay không, tôi nghĩ tập thể Quốc hội sẽ có quyết định. Việc phát hiện sai sót đến từ phía cử tri, các nhà chuyên môn, báo chí cho thấy vai trò giám sát hết sức quan trọng của dư luận đối với hoạt động của Quốc hội. Quốc hội khoá XIII dù sắp hết nhiệm kỳ nhưng Quốc hội các khoá tiếp theo sẽ chú ý đến vai trò giám sát của dư luận, người dân để nâng cao hoạt động lập pháp của Quốc hội.