Công nhân làm việc tại cơ sở lọc dầu ở Kirkuk, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Bộ Dầu mỏ Iraq ngày 11/5 thông báo hoạt động xuất khẩu dầu mỏ từ miền Bắc Iraq qua đường ống chạy tới Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ được nối lại vào ngày 13/5.
Khoảng 450.000 thùng dầu đã bị mắc kẹt ở Khu vực người Kurd của Iraq hồi cuối tháng 3/2023 sau khi Phòng Thương mại Quốc tế ra phán quyết về vụ kiện kéo dài của Baghdad chống lại hoạt động xuất khẩu dầu của Chính quyền Khu tự trị người Kurd (KRG).
Ngày 4/4, một thỏa thuận đã được ký kết giữa Baghdad và KRG, theo đó Chính phủ liên bang sẽ tiếp thị dầu thô được sản xuất tại Khu vực người Kurd.
Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã làm việc để giải quyết các rào cản kỹ thuật.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Hayan Abdel Ghani cho hay Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thông báo với phía Iraq rằng hoạt động xuất khẩu dầu qua cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được khởi động lại vào ngày 13/5.
Theo ông Ghani, Tổ chức Tiếp thị Dầu mỏ Nhà nước Liên bang (SOMO) của Iraq đã hoàn tất các thỏa thuận với các công ty quốc tế để thúc đẩy hoạt động mua bán dầu thô.
Theo thỏa thuận được ký kết hồi tháng 4/2023 giữa Chính phủ liên bang và KRG, 400.000 thùng dầu mỗi ngày sẽ được xuất khẩu từ Khu vực người Kurd và sẽ do SOMO xử lý.
Đây là lần đầu tiên, Khu vực người Kurd sẽ có đại diện tại SOMO.
Một ủy ban bao gồm hai đại diện từ Bộ Dầu mỏ Iraq và Bộ Tài nguyên của KRG sẽ giám sát hoạt động tiếp thị dầu mỏ được sản xuất tại Khu vực người Kurd cho đến khi ngân sách năm nay được thông qua.
Nguồn thu từ dầu mỏ sẽ được chuyển vào tài khoản của Ngân hàng Trung ương Iraq hoặc ngân hàng khác do Baghdad giám sát, nhưng sẽ nằm dưới sự kiểm soát của KRG.
Tranh chấp về việc ai có quyền phát triển các nguồn tài nguyên dầu khí ở Khu vực người Kurd là một trong những vấn đề phức tạp của Iraq.
Người Kurd cho biết Hiến pháp năm 2005 của Iraq đã trao cho họ quyền ký kết các thỏa thuận với các công ty dầu mỏ mà không cần hỏi ý kiến của Baghdad.
Tuy nhiên, Baghdad cho rằng Khu vực người Kurd không có quyền ký kết các thỏa thuận này, cho rằng dầu mỏ phải được xuất khẩu thông qua các đường ống do nhà nước điều hành và được SOMO tiếp thị.