Hợp sức gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm là “căn bệnh trầm kha” gây ra tình trạng chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công. Ý thức tầm quan trọng của việc giải ngân đầu tư công trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, rất cần động lực tăng trưởng từ dòng vốn nhà nước, nhiều giải pháp tháo gỡ rào cản đã được đề xuất, nhất là việc thúc đẩy GPMB. Bên cạnh sự nỗ lực của nhiều chủ thể, kỳ vọng lớn đặt vào việc sửa đổi Luật Đất đai tới đây sẽ gỡ được từ gốc nút thắt này.
Năm 2022, trong số 2.086 dự án chậm tiến độ trong kỳ, có 1.514 dự án bị chậm có nguyên nhân do công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: Lê Tiên
Năm 2022, trong số 2.086 dự án chậm tiến độ trong kỳ, có 1.514 dự án bị chậm có nguyên nhân do công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: Lê Tiên

Chủ đầu tư, nhà thầu đều khó

“Một công trình của chúng tôi ở miền Trung, thời gian thực hiện theo hợp đồng từ 2018 đến 2020, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được mặt bằng cuối cùng. Từ việc chậm trễ bàn giao mặt bằng, không thể hoàn thành hợp đồng đúng năm 2020, dẫn đến hợp đồng bị kéo dài, sau đó chịu tác động của bão giá, dịch Covid -19…, gây thiệt hại rất lớn cho nhà thầu. Tính ra, chúng tôi đã lỗ 30% giá trị hợp đồng đã ký”.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn chia sẻ thực tiễn của Nhà thầu và cho rằng, GPMB là vướng mắc rất lớn khi thực hiện các dự án. Khi nhà thầu khởi công, đa số chưa nhận được mặt bằng sạch, hầu hết là “xôi đỗ”, không thể triển khai thi công được theo hồ sơ thiết kế, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sử dụng máy móc, thiết bị, vận chuyển phải đi đường vòng xa hơn làm phát sinh chi phí.

Trước những thiệt hại lớn do chậm nhận được mặt bằng sạch, đại diện Tổng công ty Trường Sơn kiến nghị, cần tiếp tục điều chỉnh cơ chế chính sách pháp luật về GPMB, tái định cư và nghiên cứu cơ chế hỗ trợ cho nhà thầu bị thiệt hại do vấn đề GPMB.

Ở góc độ cơ quan chủ quản, chủ đầu tư, GPMB cũng là nỗi lo lớn. Ông Trần Thanh Đạm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ, dù Bộ rất quyết tâm triển khai giải ngân từ đầu năm, giao kế hoạch giải ngân từng dự án cụ thể, giao nhiệm vụ cho chủ đầu tư, nhưng thực tế triển khai lại gặp nhiều vướng mắc. Vướng mắc lớn nhất là đền bù GPMB các dự án tại địa phương. Ví dụ, dự án tại Thừa Thiên Huế đang rất tắc về GPMB do vướng di chuyển khu mộ. “Đến năm 2024 nếu vẫn vướng, quyết tâm giải quyết nhưng không thể giải quyết được, chúng tôi sẽ phải xin tạm thời dừng bố trí vốn một vài năm, hoặc xem hiệu quả dự án có đầu tư tiếp hay đóng lại”, ông Trần Thanh Đạm nói.

Chia sẻ của ông Đỗ Đình Phan, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông Hà Nội cũng cho thấy, công tác GPMB cực kỳ khó khăn, nhất là trong nội đô, nút giao vì liên quan đến nhiều thủ tục phức tạp như xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, xây dựng khu tái định cư và di chuyển mồ mả, di chuyển công trình ngầm nổi dày đặc…

Thực tiễn, trong nhiều năm qua, tắc GPMB luôn là nguyên nhân hàng đầu được các bộ, ngành, địa phương dẫn ra cho câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công chậm. Theo tổng hợp báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số 2.086 dự án chậm tiến độ trong kỳ, có 1.514 dự án bị chậm có nguyên nhân do công tác GPMB.

Một số ý kiến kiến nghị cần tiếp tục điều chỉnh cơ chế chính sách về giải phóng mặt bằng, tái định cư và nghiên cứu cơ chế hỗ trợ cho nhà thầu bị thiệt hại do vấn đề giải phóng mặt bằng Ảnh: Lê Tiên

Một số ý kiến kiến nghị cần tiếp tục điều chỉnh cơ chế chính sách về giải phóng mặt bằng, tái định cư và nghiên cứu cơ chế hỗ trợ cho nhà thầu bị thiệt hại do vấn đề giải phóng mặt bằng Ảnh: Lê Tiên

Gỡ nút thắt cần giải pháp đồng bộ

Từ hoạt động thực tiễn kiểm toán nhiều dự án, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến GPMB chậm, như giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thấp, chưa sát với giá thị trường; trình tự, thủ tục thu hồi và bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất, tình trạng thiếu công khai, minh bạch; tình trạng trục lợi, xác định sai đối tượng, khối lượng công tác đền bù, hỗ trợ… Việc bố trí tái định cư, hỗ trợ ổn định đời sống, chuyển đổi việc làm chưa đảm bảo yêu cầu cũng góp phần làm cho việc bồi thường, GPMB kéo dài nhiều năm.

Theo ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân, mấu chốt để gỡ vướng GPMB nằm ở khâu định giá đất. Công tác định giá đất đang rất bất cập. Dù Luật Đất đai hiện hành không quy định 2 giá nhưng thực tế có 2 giá: tại dự án Nhà nước thu hồi, Nhà nước định giá bồi thường và giá này thường thấp hơn giá thị trường, còn tại dự án mà nhà đầu tư tự thỏa thuận đền bù, mức giá lại khác. Từ đó tạo ra sự chênh lệch, người dân so bì, khiếu kiện, dẫn đến kéo dài thu hồi, GPMB.

Theo ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân, mấu chốt để gỡ vướng GPMB nằm ở khâu định giá đất.

Ông Hoàng Văn Cường cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần xác định giá đất sát thực tiễn; bỏ khung giá đất, quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm, được công bố công khai và áp dụng từ 1/1 của năm và được áp dụng để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Việc điều chỉnh hàng năm sẽ giúp bảng giá đất tiệm cận giá thị trường hơn. Dựa vào bảng giá này, dù Nhà nước thu hồi cũng sẽ đưa ra định giá không quá thấp. Ngoài ra, phải xác định rõ đây không phải đền bù mà là bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất, có nghĩa là thiệt hại bao nhiêu thì phải bồi thường và hỗ trợ thêm để đảm bảo nơi ở mới của người dân phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW. Ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, phương pháp định giá nói riêng, chính sách bồi thường nói chung cần quán triệt Nghị quyết 18-NQ/TW. Nếu thống nhất cách làm này, cơ quan bồi thường sẽ mạnh dạn hơn khi xác định giá đất bồi thường. Người dân thấy mức giá thỏa đáng sẽ dễ dàng đồng tình.

Ý kiến từ một đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, Kiểm toán Nhà nước khi kiểm toán về chính sách bồi thường, GPMB nên lưu ý, có thể dự án này đền bù giá nhỉnh hơn một chút, nhưng nếu mức nhỉnh hơn đó bình đẳng, không vì lợi ích cá nhân, đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân thì phải đánh giá cao, chứ không nên coi là thất thoát ngân sách.

Bên cạnh kỳ vọng vào sửa đổi Luật Đất đai sẽ gỡ nút thắt về giá để đẩy nhanh GPMB, nhiều địa phương kiến nghị tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, GPMB thành dự án độc lập, hiện chỉ áp dụng với dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A, để tạo sự chủ động cho các địa phương trong công tác GPMB theo quy hoạch.

Từ thực tiễn Dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, ông Đỗ Đình Phan cho biết, việc tách riêng GPMB thành 1 dự án độc lập, thực hiện song song với việc lập dự án đầu tư Vành đai 4 sẽ giúp tiến hành đồng thời được 2 việc, thay vì chờ toàn dự án được duyệt mới GPMB. Đến nay, qua 1 năm triển khai, Hà Nội đã GPMB được trên 90%, khi Dự án đi vào triển khai sẽ không phải chờ GPMB.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu giải pháp thúc đẩy công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB ra khỏi dự án đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nghiên cứu xem xét, đề xuất theo đúng quy định của pháp luật về việc cho phép thực hiện trước một số hoạt động nhằm ghi nhận hiện trạng đất (đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc) ngay khi dự án có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện công tác GPMB.

Cùng với đó, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh đến vai trò của địa phương trong công tác GPMB, cần chủ động, quyết liệt, tập trung cho công tác này; ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện bồi thường GPMB đối với phần diện tích có đủ điều kiện, phần vốn còn lại mới bố trí cho chi phí xây lắp và chi phí khác.

Kinh nghiệm từ nhiều địa phương cho thấy, nơi nào cả hệ thống chính trị vào cuộc, sâu sát, tuyên truyền vận động hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong nhân dân thì quá trình thu hồi đất được thuận lợi hơn rất nhiều.

Tin cùng chuyên mục