HoREA cảnh báo một số dấu hiệu bất ổn của thị trường bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chiều 14/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội Nghị Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững. Hội nghị được tổ chức trực tuyến với các thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Tại Hội nghị, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đưa ra các cảnh báo về một số dấu hiệu bất ổn, đáng quan ngại của thị trường bất động sản do đang có biểu hiện “giảm tốc, chững lại, giảm thanh khoản”.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, bất ổn đầu tiên của thị trường bất động sản Việt Nam là tình trạng “lệch pha cung - cầu”, thiếu hụt nguồn cung dự án dẫn đến thiếu hụt nguồn cung nhà ở.

Bất ổn thứ hai là tình trạng “lệch pha” phân khúc thị trường, đặc biệt là sự thiếu hụt nguồn cung nhà ở có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội, tác động trực tiếp đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đa số người yếu thế trong xã hội là người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị.

Cụ thể, năm 2020, loại hình nhà ở bình dân có giá dưới 30 triệu đồng/m2 tại TP.HCM chỉ chiếm 1%. Năm 2021 và hiện nay không còn nhà ở vừa túi tiền (0%), trong khi nhà ở cao cấp chiếm đến 74%, còn lại là nhà ở trung cấp.

Bất ổn thứ ba là tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở, dẫn đến giá nhà tăng liên tục trong hơn 5 năm qua. Hiện nay, tại TP.HCM đã có ngôi nhà liền thổ có giá lên đến 500 tỷ đồng, hoặc căn hộ cao cấp hạng sang có giá trên 100 tỷ đồng.

Bất ổn thứ tư là giao dịch bất động sản trầm lắng, khi khách hàng mua nhà và chủ đầu tư dự án khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng...

Để thị trường bất động sản trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả, ông Châu cho rằng cần phải xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến lĩnh vực này, khắc phục tình trạng đầu cơ nhà, đất.

Tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là thiếu nhà ở có giá vừa túi tiền dẫn đến giá nhà đã tăng liên tục trong hơn 5 năm qua. Ảnh: Ngô Bảo Tín

Tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là thiếu nhà ở có giá vừa túi tiền dẫn đến giá nhà đã tăng liên tục trong hơn 5 năm qua. Ảnh: Ngô Bảo Tín

HoREA và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng Hội nghị sẽ tháo gỡ các khó khăn, xử lý các bất cập, vướng mắc, hạn chế, yếu kém của thị trường bất động sản, đáp ứng mong mỏi của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, theo HoREA, để thực hiện các mục tiêu trên thì cần phải tạo được sự chuyển biến thực chất ở cả 3 cấp độ: Một là ở cấp độ văn bản luật, trọng tâm là xây dựng Luật Đất đai và các luật liên quan; Hai là cấp độ văn bản dưới luật; Ba là khâu thực thi pháp luật ở các bộ và địa phương.

Do đó, HoREA kiến nghị Chính phủ nỗ lực thực hiện mục tiêu “đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất”. Đồng thời, đảm bảo quyền tiếp cận nguồn lực đất đai của doanh nghiệp để thực hiện dự án đầu tư; trong đó có “quyền” được công nhận chủ đầu tư sau khi doanh nghiệp đã “có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở” phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở.

Mặt khác, xây dựng cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các nguồn khác trên thị trường vốn, trong đó có hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Cùng với đó, nên cho phép các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản kinh doanh đa ngành được hạch toán dùng phần lợi nhuận kinh doanh bất động sản để bù các khoản kinh doanh bị lỗ của các lĩnh vực khác.

Đặc biệt, tại thời điểm hiện nay, HoREA kiến nghị chưa nên quy định “sở hữu căn hộ chung cư có thời hạn (50 năm, 70 năm)” để phù hợp tâm tư, nguyện vọng của người dân muốn được “sở hữu căn hộ chung cư đi đôi với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài”.

Tin cùng chuyên mục