Tăng trưởng GDP quý II được dự báo sẽ khả quan. |
Các chuyên gia HSBC cho biết, tăng trưởng kinh tế quý I mặc dù ở mức khá thấp nhưng những chỉ số gần đây cho thấy nền kinh tế Việt Nam có nhiều cải thiện. Theo đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng - PMI trong tháng 5 đạt mức cao nhất trong 10 tháng qua, tăng từ 52,3 điểm trong tháng 4 lên 52,7 điểm.
Kinh tế cải thiện nhờ số lượng đơn hàng mới gia tăng mạnh, cho thấy hoạt động sản xuất vẫn có thể tiếp tục phát triển trong tháng 6. Cả sản xuất công nghiệp lẫn xuất khẩu vẫn không ngừng tăng trưởng trong quý II/2016.
Và theo HSBC, tuy tác động của hiện tượng thời tiết El Niño dai dẳng tiếp tục làm hạn chế quá trình sản xuất nông nghiệp, nhưng nhà băng này kỳ vọng GDP quý II/2016 sẽ tăng và đạt 6,1% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời giữ nguyên dự báo GDP cả năm 2016 sẽ đạt mức 6,3%.
Nhất quán với mức dự báo này, các chuyên gia HSBC cũng bày tỏ lo ngại mục tiêu 6,7% của cơ quan quản lý Việt Nam là khó đạt được trong bối cảnh tăng trưởng quý I/2016 thể hiện không tốt cùng với những khó khăn của hoạt động xuất khẩu.
HSBC cho rằng, khi chính sách khuyến khích kinh tế càng lớn, sẽ phát sinh càng nhiều rủi ro vì các yếu tố hỗ trợ kinh tế vĩ mô vẫn còn khá mỏng. Chính sách tài khóa của Chính phủ vẫn còn hạn chế. Trong năm 2016, ngân hàng này dự đoán thâm hụt ngân sách một lần nữa bị nới rộng đến mức 6,6% trên GDP, dẫn đến tỷ lệ nợ công trên GDP đạt ngưỡng giới hạn do Quốc hội đề ra là 65%.
HSBC phân tích, thâm hụt ngân sách tăng là do tỷ lệ nợ công của Việt Nam đã thực sự cao. Ước tính nợ công Việt Nam (bao gồm nợ nước ngoài và trong nước - đáng chú ý là của chính quyền trung ương và địa phương, cộng với bảo lãnh Chính phủ) đã tăng từ 59,6% năm 2014 lên 63,3% GDP vào cuối năm 2015. Vấn đề nợ ngày càng trầm trọng hơn do lạm phát chậm lại (ảnh hưởng đến GDP danh nghĩa) và đồng tiền Việt Nam mất giá (làm tăng giá trị nợ nước ngoài).
Để cải cách tài chính, các chuyên gia của ngân hàng cho rằng, Việt Nam cần nỗ lực mở rộng cơ sở doanh thu và giảm thiểu chi tiêu hiện tại. Về tăng doanh thu, trước hết áp các biện pháp hành chính nhằm hạn chế trốn thuế, công bố các trường hợp gian lận thuế, và đơn giản hóa quá trình hoàn thuế VAT có thể giúp thu hẹp khoảng cách do cắt giảm thuế trên nhiều lĩnh vực và giảm thuế quan gây ra.
Về thực hiện chi tiêu công hiệu quả thì chú trọng điều chỉnh lương cơ bản cho toàn bộ nhân viên hợp lý, các chính sách dịch vụ dân sự hiệu quả và toàn diện phải thay thế việc hạn chế tuyển dụng. Ngoài ra phải điều chỉnh phương pháp kế toán phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, những cải cách này không thể thực hiện một sớm một chiều. "Chúng tôi nghĩ tăng trưởng tuy chậm nhưng bền vững là điều cần hướng đến", HSBC khuyến nghị.