HSBC: Kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Báo cáo "Vietnam at a glance - Ánh sáng cuối đường hầm", HSBC nhận định, sau nửa đầu năm đầy thách thức, nền kinh tế Việt Nam phục hồi với tốc độ mạnh mẽ hơn dự kiến với mức tăng 5,3% trong quý III. Nguyên nhân phần lớn là nhờ sự phục hồi trong lĩnh vực thương mại, trong đó, tháng 9/2023 đánh dấu tháng đầu tiên xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo HSBC, vẫn còn quá sớm để có thể coi đây là một sự phục hồi đáng kể trong chu kỳ thương mại toàn cầu, song lĩnh vực thương mại của Việt Nam gần đây đã ghi nhận sự phục hồi vốn rất cần thiết. Mặc dù một phần là do hiệu ứng cơ sở thấp, xuất khẩu chứng kiến tăng trưởng lần đầu tiên sau hơn 6 tháng, giúp làm dịu tình trạng sụt giảm xuất khẩu nghiêm trọng từ mức hai con số trong 6 tháng đầu năm xuống dưới 2% so với cùng kỳ trong quý III. Trong khi tình trạng suy yếu xuất khẩu vẫn còn duy trì ở hầu hết các ngành hàng, riêng máy tính và nông sản tăng trưởng khá tốt, có thể bù đắp cho một số rủi ro.

Xu hướng này cũng được phản ánh trong tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác thương mại lớn. Mặc dù xuất khẩu sang Mỹ (chiếm 30% thị phần) và EU (chiếm 15% thị phần) vẫn chưa thấy được sự chuyển biến nhưng cũng đã ngưng sụt giảm thêm. Trong bối cảnh đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc liên tục tăng trưởng ở mức hai con số, phần lớn nhờ vào mức tăng trưởng ấn tượng của các mặt hàng nông sản.

Xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu vẫn còn trầm lắng

Xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu vẫn còn trầm lắng

Báo cáo của HSBC chỉ ra, mặc dù Trung Quốc chỉ chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhưng hơn 20% nông sản xuất khẩu của Việt Nam được chuyển sang Trung Quốc, từ hoa quả, gạo đến hạt điều và cà phê. Đặc biệt, nhu cầu về trái cây nhiệt đới của Trung Quốc, bao gồm sầu riêng, thanh long và mít, đã tăng nhanh trong 2 năm qua, trong đó Việt Nam là nước hưởng lợi chính cùng với Thái Lan. Trong bối cảnh đó, đợt tăng giá liên tục gần đây trên thị trường gạo toàn cầu, đại diện là giá gạo tiêu chuẩn của Thái Lan, đã tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, thúc đẩy xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng lên. Mặc dù vậy, thành tích ấn tượng trong xuất khẩu nông sản không thể bù đắp cho tình trạng khó khăn trên diện rộng trong thương mại của Việt Nam khi tỷ trọng xuất khẩu gạo còn khá nhỏ, chỉ ở mức 10%.

Theo HSBC, bất chấp những thách thức mang tính chu kỳ trong thương mại, triển vọng FDI dài hạn của Việt Nam vẫn không bị ảnh hưởng. Mặc dù FDI đã giảm so với đỉnh năm 2017, một phần do bối cảnh tiền tệ toàn cầu thắt chặt hơn, Việt Nam vẫn là quốc gia vượt trội trong ASEAN về thu hút FDI, chỉ đứng sau Malaysia. Lĩnh vực sản xuất chiếm phần lớn vốn FDI, mang lại niềm hy vọng Việt Nam có thể tiến lên trong chuỗi giá trị, chuẩn bị cho một giai đoạn phục hồi mạnh mẽ khi chu kỳ thương mại đổi chiều. Luồng FDI mới tiếp tục đổ vào lĩnh vực sản xuất, tính đến thời điểm này đã vượt mức tổng FDI mới của từng năm trong 3 năm qua.

Bất chấp những thách thức mang tính chu kỳ trong thương mại, triển vọng FDI dài hạn của Việt Nam vẫn không bị ảnh hưởng

Bất chấp những thách thức mang tính chu kỳ trong thương mại, triển vọng FDI dài hạn của Việt Nam vẫn không bị ảnh hưởng

Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng công nghệ tiếp tục là vấn đề trọng tâm trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9 khi hai nước nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Tổng thống Joe Biden công bố rằng các công ty công nghệ Mỹ, bao gồm Amkor và Marvell, có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam, nhưng không chỉ Mỹ đầu tư vào Việt Nam - vài tuần sau, công ty Hana Micron của Hàn Quốc cũng hưởng ứng bằng việc công bố sẽ mở rộng sản xuất chip với khoản đầu tư 1 tỷ USD từ đây đến năm 2025.

Ngoài sản xuất, dịch vụ vẫn là nền tảng cho sự tăng trưởng của Việt Nam. Các lĩnh vực có mức tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ năm trước đều liên quan đến du lịch. Xét trên diện rộng, ASEAN đã chứng kiến lượng khách du lịch quay trở lại khoảng 60 - 80% so với mức của năm 2019, trong đó tốc độ phục hồi của Việt Nam đang tiến gần đến mốc 70% trong tháng 9. Trong bối cảnh mùa đông sắp diễn ra ở khu vực Bắc bán cầu và với quy định nới lỏng thị thực gần đây, Việt Nam đang trên đà tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ về du lịch.

Trong khi tăng trưởng ghi nhận một số tin vui, các rủi ro lạm phát đã xuất hiện trở lại. Đà lạm phát đã tăng nhanh trong hai tháng qua, đẩy tỷ lệ lạm phát so với cùng kỳ năm trước tiến gần hơn đến mức trần 4,5%. Áp lực tăng đến từ đợt tăng giá liên tục trên thị trường dầu và gạo, vốn chiếm phần lớn trong rổ CPI của Việt Nam. Mặc dù vẫn giữ dự báo tăng trưởng năm 2023 ở mức 5,0%, HSBC nâng dự báo lạm phát bình quân lên 3,4%, từ mức 3,2%.

Tin cùng chuyên mục