Huawei bổ nhiệm Giám đốc Tài chính mới. Ảnh: AFP |
Trước đó ngày 6/12, Bộ Tư pháp Canada thông báo nhà chức trách nước này đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Phó Chủ tịch kiêm CFO của Huawei ở thành phố Vancouver hôm 1/12.
Bà Mạnh đang phải đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Tòa án Canada sẽ xem xét bảo lãnh tại ngoại cho bà Mạnh Vãn Chu trong ngày 7/12.
Trung Quốc đã hối thúc Canada và Mỹ "làm rõ" nguyên nhân vụ bắt giữ bà Mạnh. Bất chấp những cáo buộc từ phía Mỹ, Huawei khẳng định “không nhận thấy bà Mạnh có hành vi phạm pháp nào” và công ty này tuân thủ luật pháp và mọi quy định của nước sở tại, bao gồm cả các lệnh trừng phạt và các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.
Giới chuyên gia nhận định vụ việc trên sẽ khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp khó khăn hơn khi giải quyết mâu thuẫn vốn ngày càng gay gắt với Trung Quốc.
Trước mắt, vụ việc có thể làm gia tăng hoài nghi về lệnh "đình chiến thương mại" mà lãnh đạo hai nước Mỹ - Trung đã đạt được vào cuối tuần trước tại Buenos Aires (Argentina).
Trong một diễn biến mới nhất, Nhật Bản đề xuất lệnh cấm các quan chức chính phủ sử dụng các sản phẩm viễn thông của Huawei và ZTE (một tập đoàn viễn thông khác của Trung Quốc) do lo ngại về vấn đề an ninh mạng.
Lệnh cấm trên được đưa ra sau khi Mỹ đề nghị các nước đồng minh tránh sử dụng các sản phẩm của hai tập đoàn trên vì "những sản phẩm này có thể chứa những loại virus thường được dùng để tấn công mạng".
Theo báo Yomiuri Shimbun và hãng tin Jiji Press của Nhật Bản, chính phủ nước này đã lên kế hoạch sửa đổi các quy định về mua sắm các thiết bị viễn thông nội bộ để loại bỏ các sản phẩm của Huawei và ZTE. Ngoài ra, các sản phẩm khác được sản xuất trong nước nhưng sử dụng linh kiện do Huawei và ZTE chế tạo cũng bị cấm sử dụng.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết nước này hợp tác chặt chẽ với Mỹ để giải quyết những vấn đề liên quan đến an ninh mạng./.