Huy động tư nhân cải tiến dịch vụ logistics

(BĐT) - Triển vọng tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được nhận định sẽ làm cho năng lực cạnh tranh của Việt Nam về xuất khẩu trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy phát triển kinh tế trong những năm tới. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Để tận dụng được cơ hội phát triển này, Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị, Chính phủ nên cộng tác chặt hơn với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics.

Tại Báo cáo “Huy động tư nhân tham gia vào các giải pháp hoạch định, xây dựng chính sách giao thông vận tải, hậu cần của Việt Nam: Một số lựa chọn của Việt Nam”, WB cho rằng, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn nhờ sự phát triển nhanh chóng của các hoạt động sản xuất gắn với thương mại quốc tế, nên việc nâng cao hiệu quả của lĩnh vực logistics là một trong những đòn bẩy mới. Kim ngạch thương mại hàng hóa hiện nay của Việt Nam tương đương 1,6 lần giá trị tổng sản phẩm quốc nội, đưa Việt Nam đứng trong nhóm những nước có tỷ trọng này lớn nhất thế giới.

Theo xếp hạng của WB, năm 2014, chỉ số năng lực kho vận của Việt Nam (LPI) đứng thứ 48/160 nước, thuộc nhóm 30% các quốc gia đứng đầu về năng lực logistics. Tuy nhiên, nếu so sánh với những nước có cùng mức độ lệ thuộc vào thương mại (tức là có tỷ lệ thương mại hàng hóa trên GDP từ 115% trở lên) và có đặc điểm địa lý, kinh tế khá tương đồng thì Việt Nam lại đứng cuối cùng. Để thúc đẩy xuất khẩu, WB cho rằng, Việt Nam cần tập trung nâng cao hiệu quả của cả chuỗi cung ứng nhập khẩu và xuất khẩu tương tác với hệ thống giao thông vận tải, hậu cần trong nước.

Theo WB, sau khi đã có những giải pháp hỗ trợ cho làn sóng đầu tư về tăng trưởng công nghiệp, mở cửa giao thương, hội nhập quốc tế, giờ đây, Việt Nam đang đứng trước cơ hội tốt để cân đối giữa cung và cầu trong lĩnh vực vận tải, hậu cần trên cơ sở tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ bản, đặc biệt là tăng cường các chức năng trọng yếu về hoạch định, xây dựng chính sách, điều tiết các hoạt động giao nhận, kho vận. “Đã đến lúc, Việt Nam cần thể chế hóa mô hình hợp tác công - tư và liên ngành trong lĩnh vực vận tải, hậu cần trong hoạch định và xây dựng chính sách ở cả trung ương và địa phương để tăng cường năng lực vận tải”, WB khuyến nghị.

Cũng theo WB, trước đây, các doanh nghiệp vận tải tư nhân Việt Nam đã từng cộng tác với các cơ quan chính phủ nhằm thuận lợi hoá thương mại, nhưng chưa bao giờ hợp tác trong các vấn đề lâu dài như lập kế hoạch phát triển hạ tầng, hoạch định chính sách ngành như cải thiện cung cấp dịch vụ, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và cắt giảm phát thải khí nhà kính nhằm giảm tác động biến đổi khí hậu.

 “Nếu các cơ quan trung ương và địa phương như Bộ Giao thông vận tải và các Sở Giao thông vận tải hợp tác với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nội địa và chuỗi xuất - nhập khẩu một cách cụ thể hơn, minh bạch hơn và dễ lường hơn thì Việt Nam sẽ xây dựng được một hệ thống kho vận tốt hơn trong quá trình chuyển tiếp sang một giai đoạn tăng cường năng lực cạnh tranh kho vận mới của một nước thu nhập trung bình”, ông Luis C. Blancas, chuyên gia cao cấp về giao thông của WB nhận định.

Tin cùng chuyên mục