Ảnh Internet |
Trong bối cảnh lãi suất đi vay tăng lên, đặc biệt đối với các thị trường mới nổi, sự sụt giảm của khối nợ này hoàn toàn đến từ các nước giàu hơn. Theo IIF, tổng nợ của các nước giàu đã giảm gần 6 nghìn tỷ USD, xuống còn 200 tỷ USD. Ngược lại, tổng nợ của các nước đang phát triển lập kỷ lục mới ở mức 98 nghìn tỷ USD.
Trong khi đó, hoạt động kinh tế mạnh hơn và lạm phát cao hơn - cả hai đều là yếu tố làm giảm mức nợ - khiến tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu giảm hơn 12% xuống còn 338% GDP, đánh dấu mức giảm năm thứ hai liên tiếp.
Tuy nhiên, sự cải thiện này vẫn được thúc đẩy bởi các thị trường phát triển với mức giảm tổng thể 20% xuống còn 390%. Trong khi đó, tỷ lệ nợ của các thị trường mới nổi đã tăng 2% lên 250% GDP, chủ yếu do Trung Quốc và Singapore.
Phân tích sâu hơn vào các con số, IIF ước tính tỷ lệ nợ chính phủ so với GDP của các nền kinh tế mới nổi tăng lên mức khoảng 65% trong năm 2022, từ mức dưới 64% trong năm trước đó.
"Gánh nặng nợ nước ngoài của chính phủ nhiều nước đang phát triển đã gia tăng do sự mất giá nghiêm trọng của đồng nội tệ của các quốc gia trong năm 2022 so với đồng USD", IIF cho biết.
Theo IIF, sự mất giá đồng tiền của các nền kinh tế đang phát triển đã khiến nhu cầu của nhà đầu tư quốc tế đối với các đồng tiền này giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm và "không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ sớm hồi phục".
Ngân hàng đầu tư JPMorgan đưa ra một quan điểm khác về tình trạng nợ toàn cầu. Trong một báo cáo công bố hồi đầu tháng 2/2023, ngân hàng này cho rằng, dù nợ của các nền kinh tế phát triển giảm trong năm 2022, đà gia tăng nợ nần của nhóm nước này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 13 năm có thể ví như một sự bùng nổ.
JPMorgan tính rằng tỷ lệ nợ công so với GDP của các nước phát triển đã tăng thêm gần 50 điểm phần trăm lên mức 122% từ mức 73% trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính. Trong số 21 nền kinh tế lớn của thế giới, có 13 nước chứng kiến tỷ lệ nợ công so với GDP tăng trên 30 điểm phần trăm trong khoảng thời gian trên; 8 nước còn lại có mức tăng hơn 45 điểm phần trăm.
Mức tăng xấp xỉ 50 điểm phần trăm trong vòng 13 năm nói trên trở nên đáng chú ý hơn khi tỷ lệ nợ công so với GDP của các nước phát triển chỉ tăng 40% trong vòng 40 năm trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính. Và trong 40 năm đó, thế giới cũng đã chứng kiến nhiều cú sốc lớn, bao gồm giai đoạn lạm phát đình trệ trong thập niên 1970 và gia đoạn bùng nổ chi tiêu công trong thập niên 1980.