IMF hạ dự báo triển vọng kinh tế Mỹ trong năm 2016

Ngày 22/6, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo triển vọng kinh tế Mỹ trong năm 2016, với nhận định những thách thức dài hạn có thể đe dọa sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững của nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong báo cáo đánh giá về kinh tế Mỹ, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay đạt 2,2%, giảm 0,2% so với dự báo hồi tháng Tư, song vẫn giữ nguyên mức dự báo 2,5% cho năm 2017.

Theo IMF, những nguy cơ về đồng USD tăng giá, hoạt động đầu tư doanh nghiệp giảm và tăng trưởng toàn cầu có thể đặt ra những nguy cơ ngắn hạn đối với nền kinh tế Mỹ.

Đồng thời, IMF nêu bật 4 yếu tố thách thức tăng trưởng kinh tế Mỹ trong tương lai, bao gồm sự sụt giảm lực lượng lao động; tăng trưởng năng suất yếu; sự phân cực ngày càng tăng trong phân bổ thu nhập và của cải, và số người nghèo gia tăng.

Phát biểu trước báo giới, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhận định những yếu tố trên không chỉ tác động đến nền kinh tế mà còn đến nền chính trị Mỹ.

Bà kêu gọi Washington chống lại mọi hình thức bảo hộ, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cải cách thuế thu nhập doanh nghiệp và củng cố các chính sách hỗ trợ các gia đình thu nhập thấp để có thể bảo đảm và duy trì tăng trưởng bền vững.

Liên quan đến những ảnh hưởng của khả năng Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), bà Lagarde cho rằng nếu kịch bản này xảy ra sẽ tác động đến kinh tế Mỹ thông qua các kênh thương mại và tài chính, song sẽ không kéo nước Mỹ rơi vào suy thoái.

Bất chấp việc IMF hạ dự báo, nền kinh tế Mỹ đón nhận tín hiệu khởi sắc sau khi các số liệu mới nhất cho thấy doanh số từ thị trường nhà đất trong tháng Năm cao hơn mức đỉnh trong vòng 9 năm qua nhờ nguồn cung dồi dào giúp người tiêu dùng và giới đầu tư có thêm nhiều lựa chọn.

Báo cáo của Hiệp hội các nhà bán lẻ liên bang (NAR) công bố ngày 23/6 cho biết doanh số bán nhà xây sẵn trong tháng Năm vừa qua đạt 5,53 triệu căn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2015 và là mức doanh số cao nhất kể từ tháng 2/2007.

Đây là một tín hiệu tích cực vì các tháng đầu năm 2016, doanh số bán nhà tại Mỹ tăng trưởng với tốc độ chậm chạp và giới chuyên gia kinh tế dự báo chỉ tăng 1,1% trong tháng Năm.

Các tín hiệu khởi sắc của thị trường nhà đất cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn giữ được đà tăng trưởng ổn định, dù chỉ số tăng trưởng việc làm của thị trường lao động bất ngờ sụt giảm mạnh hồi tháng Năm.

Theo các nhà phân tích, việc thị trường nhà đất “ấm trở lại” sẽ giúp Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thêm động lực để nâng lãi suất cơ bản lần thứ 2 trong vòng gần một thập kỷ trong thời gian tới.

Trước đó, ngày 15/6, Ủy ban Thị trường mở Liên bang, cơ quan hoạch định chính sách của Fed, đã quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay ở biên độ từ 0,25-0,5% vốn được áp dụng từ tháng 12/2015 tới nay trong bối cảnh các chỉ số tăng trưởng kinh tế chưa thật sự thuyết phục, đặc biệt là thị trường việc làm không chắc chắn.

Các thị trường tài chính tại Mỹ không có nhiều biến động sau khi NAR công bố báo cáo trên do các nhà đầu tư đang lo lắng chờ đợi kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 tại Anh về việc nước này ở lại hay rút khỏi Liên minh châu Âu (EU), một diễn biến được cho là sẽ gây tác động lớn đối với thị trường tài chính toàn cầu.

Cụ thể, kết thúc giao dịch ngày 22/6, chỉ số Dow Jones chốt phiên giảm 0,27%, xuống 17.780,83 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 0,17%, xuống 2.085,45 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite mất 0,22%, xuống 4.833,32 điểm./.

Tin cùng chuyên mục