Ảnh Internet |
"Chúng tôi ước tính các nước đóng góp khoảng một phần ba GDP toàn cầu sẽ trải qua ít nhất 2 quý GDP giảm liên tiếp trong năm nay hoặc năm sau. Và ngay cả khi tăng trưởng dương, chúng ta cũng sẽ cảm giác như suy thoái vì thu nhập thực tế giảm và giá cả tăng", Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết trong bài phát biểu hôm 6/10 tại Đại học Georgetown.
IMF dự báo, GDP toàn cầu có thể mất 4.000 tỷ USD từ nay đến năm 2026. "Con số sụt giảm này bằng cả quy mô nền kinh tế Đức. Đây là bước lùi lớn đối với kinh tế thế giới", bà Georgieva nhận xét.
Sau khi tăng trưởng toàn cầu đạt tốc độ hàng năm 6,1% vào tháng 10/2021 nhờ đà phục hồi mạnh mẽ trong đại dịch, IMF bắt đầu liên tục hạ dự báo tăng trưởng. Tổ chức này hiện cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 3,2% trong năm nay và 2,9% vào năm tới.
Bà Georgieva cho biết, những con số này sẽ còn hạ xuống khi IMF công bố Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu tuần tới. Theo bà Georgieva, tất cả các nền kinh tế lớn nhất toàn cầu đều đang giảm tốc, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng ở châu Âu do xung đột Nga - Ukraine, khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc và lạm phát cao kỷ lục ở Mỹ.
Bà Georgieva cho rằng, thế giới đang ở trong thời kỳ "mong manh nhất", trải qua nhiều cuộc khủng hoảng gồm đại dịch, xung đột tại Ukraine, thời tiết khắc nghiệt. Những sự kiện này đã khiến giá cả tăng vọt. "Chỉ trong chưa đầy 3 năm, chúng ta đã trải qua hàng loạt cú sốc", bà cho biết.
Người đứng đầu IMF kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tiếp tục chống lạm phát, nhưng cảnh báo rằng, việc thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức sẽ đẩy thế giới vào suy thoái kéo dài.
"Không thắt chặt đủ sẽ khiến lạm phát vượt tầm kiểm soát. Điều này đòi hỏi lãi suất trong tương lai phải tăng cao hơn và duy trì trong thời gian dài hơn, gây ra tác hại lớn đối với cho tăng trưởng và người dân. Tuy nhiên, việc thắt chặt quá mức, quá nhanh và đồng bộ giữa các quốc gia có thể đẩy nhiều nền kinh tế vào thời kỳ suy thoái kéo dài", bà Georgieva nói.
Bà Georgieva khuyến khích các chính phủ phản ứng bằng chính sách tài khóa tạm thời, có mục tiêu, để hỗ trợ các nhóm người chịu tác động mạnh nhất, trong khi không làm tăng lạm phát tổng thể.