Dù thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 5 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ song mức giảm đã được thu hẹp khi vốn đầu tư mới và GVMCP tăng mạnh hơn so với cùng kỳ.
Cụ thể, có 962 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 66,4% so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký đạt hơn 5,26 tỷ USD (tăng 27,8% so với cùng kỳ) và 1.278 giao dịch GVMCP (giảm 5,6% so với cùng kỳ) nhưng tổng giá trị vốn góp đạt gần 3,32 tỷ USD (tăng 67,2% so với cùng kỳ).
Trái ngược với đà tăng của vốn đầu tư mới và GVMCP, vốn tăng thêm lại giảm khá mạnh khi có 485 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 22,8% so với cùng kỳ) với tổng vốn đầu tư tăng thêm chỉ gần 2,28 tỷ USD (giảm 59,4% so với cùng kỳ).
Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 6,64 tỷ USD, chiếm 61,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 2,5% so với cùng kỳ.
Ngành hoạt động tài chính, ngân hàng đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,53 tỷ USD, chiếm hơn 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng hơn 12 lần so với cùng kỳ. Các ngành kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 1,16 tỷ USD (giảm 61,3%) và gần 481 triệu USD (tăng 28,3%).
Theo đối tác đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2023, đã có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 2,53 tỷ USD, chiếm hơn 23,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 14,3% so với cùng kỳ 2022; Nhật Bản đứng thứ hai với gần 2,1 tỷ USD, chiếm gần 19,1% tổng vốn đầu tư, gấp gần 2,2 lần so với cùng kỳ. Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,61 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư, tăng 41,9% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc,...
Số liệu so sánh với cùng kỳ năm 2022. Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài |