Ảnh Internet |
Tầm nhìn của Jack Ma đã làm thay đổi Trung Quốc. Mới đây, ông Ma đã lên kế hoạch rời khỏi Alibaba Group Holding Ltd. vào năm tới, song di sản mà ông để lại sẽ còn tồn tại rất lâu. Ông đã làm được nhiều hơn chỉ là gây dựng một đế chế thương mại điện tử. Ông đã chứng minh được rằng một doanh nghiệp tư nhân sáng tạo có thể phát triển mạnh trong một nền kinh tế bị kiếm soát. Thành công đột phá của ông đã giúp ngành công nghệ Trung Quốc cạnh tranh với Thung lũng Silicon, thúc đẩy nền kinh tế trong nước dần tiến tới vượt qua Mỹ.
Chủ tịch Alibaba Jack Ma hiện là người giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản gần 40 tỷ USD, và là diễn giả được chào đón tại nhiều sự kiện quốc tế, như Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos. “Ông ấy là hình mẫu cho thế hệ chúng tôi”, Peiran Wei – người đã sáng lập startup ứng dụng VideoUP chủ yếu nhờ ảnh hưởng của Jack Ma và Alibaba – cho biết.
Câu chuyện về Jack Ma giờ đây đã trở thành huyền thoại trong các trường học tại Trung Quốc. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo ở Hàng Châu vào năm 1964. Ông đã mài giũa vốn tiếng Anh của mình bằng cách dẫn khách du lịch tham quan quanh thành phố. Sau một thời gian làm giáo viên, Jack Ma đã chuyển hướng sang kinh doanh khi thành lập Alibaba.com vào năm 1999. Ông tự nhận mình không phải là một doanh nhân hiểu biết về công nghệ nhất, cũng không phải là người thông minh nhất. Nhưng ông đã chứng minh được mình là một nhà lãnh đạo đầy cảm hứng, sẵn sàng cạnh tranh với đối thủ nước ngoài và tạo ra tầm nhìn giúp hiện đại hóa nền kinh tế Trung Quốc.
“Những người thông minh cần một kẻ ngốc để lãnh đạo họ. Sẽ dễ dàng chiến thắng hơn nếu bạn sở hữu những người có góc nhìn khác nhau”, ông Ma nói.
Alibaba đã mang thương mại điện tử đến những ngôi làng hẻo lánh của Trung Quốc, và mở rộng hoạt động sang lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chăm sóc sức khỏe và làm phim Hollywood. Chưa đầy 20 năm sau khi thành lập, Alibaba đã có vốn hóa hơn 420 tỷ USD, nhiều hơn bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào tại Đại lục.
Một trong những người đầu tiên nhìn thấy tiềm năng của Jack Ma là ông chủ Tập đoàn SoftBank Nhật Bản – Masayoshi Son. Năm 2000, ông Son đã đầu tư 20 triệu USD vào Alibaba và hiện nắm giữa lượng cổ phần trị giá khoảng 120 tỷ USD.
“Ông ấy không có kế hoạch kinh doanh, và công ty cũng không có doanh thu. Nhưng ánh mắt của ông ý rất kiên định. Qua cách nói chuyện, tôi có thể thấy ông ấy rất đáng tin và là người có khả năng lãnh đạo”, ông Son nói về Jack Ma trong một buổi phỏng vấn.
Thương vụ IPO của Alibaba với số vốn huy động kỷ lục 25 tỷ USD vào năm 2014 đã hoàn toàn làm thay đổi ngành công nghệ của đất nước. Đó là lời nhắc nhở dành cho các nhà đầu tư mạo hiểm rằng họ có thể kiếm được rất nhiều tiền từ các startup Trung Quốc. Theo hãng nghiên cứu Preqin, giá trị các thương vụ đầu tư mạo hiểm tại Trung Quốc đã tăng từ 4,4 tỷ USD năm 2013 lên 16,6 tỷ USD trong năm 2014, và đạt 62,6 tỷ USD trong năm 2017. Năm nay, Trung Quốc có khả năng vượt Mỹ về cả số thương vụ IPO lẫn số vốn đầu tư mạo hiểm huy động được.
“Môi trường khởi nghiệp tại Trung Quốc sẽ không còn được như hiện tại khi thiếu Jack Ma. Sự nổi tiếng của Jack Ma và thành công của Alibaba đã giúp khởi nghiệp trở thành một lựa chọn nghề nghiệp được chấp nhận rộng rãi, điều này đã thúc đẩy một trong những thị trường công nghệ lớn nhất thế giới”, William Bao Bean tại công ty đầu tư mạo hiểm SOSV cho biết.
Jack Ma không chỉ đơn giản là thành công về kinh doanh, ông còn phá vỡ khuôn mẫu về nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Trung Quốc – thường là những người đứng đầu ít khi xuất hiện của các công ty quốc doanh lớn như PetroChina và China Mobile. Ông từng ăn mặc như Michael Jackson và nhảy điệu “Moon Walk”. Ông còn đội mũ lông chim và trang điểm để biểu diễn tại một bữa tiệc của công ty.
“Với nhiều người, ông ấy là bộ mặt của Internet Trung Quốc. Trong khi đó, không ai biết rõ Pony Ma – ông chủ Tencent Holdings Ltd. – là người như thế nào”, ông Bean nhận xét.
Trong lĩnh vực kinh doanh, Jack Ma thường được so sánh với tỷ phú Jeff Bezos của Amazon bởi cả 2 công ty đều thuộc lĩnh vực thương mại điện tử. “Jack Ma đại diện cho thể hệ quốc tế đầu tiên của các doanh nhân Trung Quốc”, cố vấn nội các Trung Quốc kiêm nhà sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa Wang Huiyao cho biết.