Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020: 2 triệu tỷ đồng vốn mồi

(BĐT) - Kế hoạch Đầu tư công trung hạn (ĐTCTH) có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển đất nước, quyết định việc sử dụng nguồn lực rất lớn (2 triệu tỷ đồng), tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia trong giai đoạn 5 năm 2016 – 2020.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Tại buổi làm việc chiều muộn ngày 20/10, Báo cáo kế hoạch ĐTCTH giai đoạn 2016-2020 và Báo cáo thẩm tra Kế hoạch ĐTCTH giai đoạn 2016-2020 đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày trước Quốc hội.

Khắc phục buông lỏng quản lý đầu tư công nhờ Chỉ thị 1792

Trong giai đoạn 2011 – 2015, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách về tái cơ cấu đầu tư, với trọng tâm là đầu tư công; nổi bật nhất là Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 đã góp phần quan trọng vào việc khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý đầu tư công, bố trí vốn phân tán dàn trải, gây thất thoát, lãng phí; xử lý từng bước có bài bản nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi các khoản vốn ứng trước kế hoạch quá lớn trước đây.

Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư công, sửa đổi các luật có liên quan trong đầu tư, xây dựng; ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành và các cơ chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế huy động vốn đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh,…

Nhờ vậy, trong điều kiện rất khó khăn, thách thức trên thế giới và trong nước, giai đoạn 2011-2015 chúng ta vẫn huy động được trên 5,6 triệu tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm 31,7% GDP; trong đó vốn đầu tư từ các nguồn NSNN, trái phiếu Chính phủ chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đây là một trong những điều kiện quan trọng bảo đảm cho nền kinh tế phục hồi và phát triển trong thời gian qua.

Vốn đầu tư được bố trí tập trung, nhằm thực hiện đột phá về xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, bảo đảm phát triển bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Nhờ vậy, số dự án hoàn thành giai đoạn này tăng nhanh (hoàn thành khoảng 10.200 dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương và 2.000 dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ); số lượng dự án khởi công mới bằng vốn ngân sách trung ương chỉ khoảng 4.250 dự án, giảm đáng kể so với giai đoạn trước. Mức vốn bố trí bình quân cho 1 dự án trong kế hoạch hằng năm tăng lên, năm 2012 là 9,54 tỷ đồng/dự án, tăng lên 14,2 tỷ đồng/dự án năm 2015, tăng 86% so với năm 2012. Nợ đọng xây dựng cơ bản giảm mạnh so với giai đoạn trước. Đến hết kế hoạch năm 2016, nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách trung ương và vốn trái phiếu Chính phủ chưa bố trí nguồn thanh toán đã giảm 50% so với trước khi Luật Đầu tư công có hiệu lực. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư trong giai đoạn này đã góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước.

Những nội dung, định hướng lớn

Theo Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch tài chính - NSNN 5 năm 2011-2015 và định hướng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước Quốc hội, Chính phủ định hướng Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 sẽ xây dựng quy mô thu NSNN tăng gấp 1,65 lần so với giai đoạn trước. Tăng tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN, phấn đấu tăng từ 67,8%  giai đoạn trước lên mức khoảng 87-88% vào cuối giai đoạn. Đối với cơ cấu chi ngân sách, Chính phủ dự kiến điều chỉnh lại cơ cấu chi NSNN theo hướng tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển lên mức bình quân 25-26% cả giai đoạn, giảm tỷ trọng chi thường xuyên từ khoảng 67% xuống mức khoảng 60-62% trong giai đoạn 2016-2020. Đối với bội chi NSNN, Chính phủ xây dựng mức bội chi NSNN đến năm 2020 dưới 4% GDP (bình quân cả giai đoạn không quá 3,9% GDP) tính theo quy định của Luật NSNN năm 2015.
Trên cơ sở mục tiêu phát triển và các cân đối lớn của nền kinh tế, cân đối thu chi NSNN,… Chính phủ dự kiến tổng vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 là 2.000 nghìn tỷ đồng. Căn cứ tổng số vốn NSNN và các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ dự kiến phương án phân bổ cho một số nội dung lớn: Vốn trong nước (không bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ) là 478 nghìn tỷ đồng, dự kiến phân bổ cho: Đầu tư 2 chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững (72.817 tỷ đồng); Cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý tín dụng đầu tư và tín dụng chính sách xã hội (38.916,47 tỷ đồng); Dự án chống ngập thành phố HCM (10.000 tỷ đồng)…

Với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, 200 nghìn tỷ đồng (không bao gồm 60 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 chuyển sang), dự kiến phân bổ cho ngành giao thông (121.150 tỷ đồng) trong đó một số đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam (70.000 tỷ đồng), giải phóng mặt bằng dự án Cảng Hàng không Quốc tế Sân bay Long Thành (5.000 tỷ đồng), dự án Đường Trường sơn Đông là (1.530 tỷ đồng), dự án đường tuần tra biên giới (giai đoạn 2) phần giáp biên giới Căm-pu-chia (4.000 tỷ đồng). Vốn trái phiếu chính phủ cho địa phương là 40.620 tỷ đồng.

Về nội dung phân bổ vốn đầu tư cho lĩnh vực, ngành, thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận thấy, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông giai đoạn 2011-2015, đặc biệt là vốn TPCP chiếm tỷ trọng tương đối lớn và phần vốn dự kiến phân bổ giai đoạn 2016-2020 cho lĩnh vực này cũng khá cao so với các lĩnh vực khác trong khi vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp chưa đạt mục tiêu đề ra. Mặc dù việc đầu tư cho hạ tầng giao thông là cần thiết song việc dành một tỷ lệ quá lớn nguồn lực đầu tư cho giao thông đã dẫn đến thu hẹp nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực khác, làm mất cân đối trong phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, đề nghị Chính phủ cân đối nguồn lực đầu tư giữa phát triển hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội, bảo đảm hài hòa giữa các lĩnh vực, vùng, miền, địa phương.

Ngoài ra, theo Báo cáo của Chính phủ thì nguồn vốn NSNN chỉ là vốn mồi để khai thác các nguồn vốn đầu tư khác. Tuy nhiên, việc huy động các nguồn lực khác hiện đang gặp nhiều khó khăn (trong giai đoạn 2011-2015, vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp tư nhân và dân cư chiếm khoảng 39%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm khoảng 17,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội). Trong khi đó, việc đầu tư theo hình thức PPP chưa đạt yêu cầu như mong muốn.

Do đó, Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính, ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ dự báo rủi ro khi thực hiện kế hoạch vốn đầu tư trung hạn từ nguồn NSNN, đồng thời có giải pháp khả thi hơn để khai thác các nguồn lực ngoài ngân sách.

Tin cùng chuyên mục