Đoạn giao giữa cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ảnh: Lê Tiên |
Bức tranh không gian kinh tế Đông - Tây đặt ra yêu cầu bổ sung mảnh ghép đường bộ có tốc độ cao, năng lực thông hành lớn để đáp ứng sự phát triển đột phá, hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng.
Dồn sức đẩy nhanh tiến độ hàng loạt công trình
Với chủ trương của Đảng, Quốc hội, hành động quyết liệt của Chính phủ, vóc dáng hạ tầng giao thông các tỉnh phía Nam được định hình trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển, đồng thời được kiến tạo nhiều cơ chế, chính sách đột phá, tập trung ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư. Hiện tại, nhiều dự án đường bộ cao tốc đang được đẩy nhanh tiến độ thi công như: cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu, Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3 - TP.HCM. Chỉ tính các dự án cao tốc này đã có tổng chiều dài khoảng 629,83 km với tổng mức đầu tư 269.943 tỷ đồng.
Tại các công trường xây dựng cao tốc, ghi nhận của phóng viên Báo Đấu thầu cho thấy, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án (QLDA), tư vấn giám sát, nhà thầu thi công, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư, cán bộ, công nhân, người lao động đang miệt mài làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, kịp thời khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc, tích cực tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, phấn đấu xây dựng các dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ. Tất cả đang dồn sức thi đua 500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc theo phát động của Thủ tướng Chính phủ vào giữa tháng 8/2024.
Tại Dự án thành phần (DATP) 3 Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nhiều hạng mục được các nhà thầu bảo đảm tiến độ thi công. Ông Nguyễn Công Danh, Phó Giám đốc Ban QLDA giao thông khu vực Cái Mép - Thị Vải (chủ đầu tư) cho biết, trên toàn tuyến dài 19,5 km với 11 cầu và 1 hầm chui dân sinh, các nhà thầu đồng loạt triển khai hơn 15 mũi thi công với khoảng 225 thiết bị và 415 người. Lũy kế giá trị thi công đến nay đạt khoảng 740 tỷ đồng trên tổng giá trị hợp đồng 1.847,687 tỷ đồng, tương ứng 38%. “Các nhà thầu đang tổ chức khai thác, cung cấp vật liệu về công trường đối với mỏ đất và mỏ đá áp dụng cơ chế đặc thù; tổ chức đắp đất nền đường, đắp đường công vụ, cống thoát nước và thi công hoàn chỉnh hệ thống đường gom. Nhằm đảm bảo tiến độ chung của DATP 3, chúng tôi luôn kiểm soát hoạt động thi công hàng tuần và có biện pháp tăng cường bù tiến độ, đôn đốc các nhà thầu duy trì thi công 3 ca, 4 kíp, hướng đến mục tiêu thông xe kỹ thuật trước 30/4/2025”, ông Danh nói.
Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần 4 diễn ra tại TP.HCM vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một để phấn đấu khởi công đầu năm 2025.
Tương tự, tốc độ thi công nhiều DATP tại 2 dự án cao tốc trục ngang miền Tây Nam Bộ là Cao Lãnh - An Hữu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được tăng tốc trong những tháng gần đây khi vướng mắc nguồn cát đắp nền dần được tháo gỡ. Đơn cử, tại DATP 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu tại tỉnh Đồng Tháp, ngay khi cát về tới công trình, Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C - Công ty TNHH MTV Cơ khí và Xây dựng Thiên An - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng DACINCO tập trung thi công tại những điểm trọng yếu cần nhiều thời gian gia tải nhằm bù tiến độ. Nhiều nhà thầu đã huy động gấp đôi nguồn nhân lực, thiết bị, đồng thời tăng ca, kíp để đẩy nhanh tiến độ. Ông Lê Nguyễn Phú Trường, Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp (chủ đầu tư) cho biết, tổng khối lượng thi công của Dự án đạt khoảng 888,1 tỷ đồng, tương ứng 34,9% giá trị hợp đồng.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tại tỉnh Sóc Trăng ghi nhận bước tiến triển khi đến đầu tháng 8/2024, tiến độ thi công 4 gói thầu thuộc DATP 1 trên địa bàn tỉnh An Giang đạt 19,89%, vượt khoảng 0,14% so với tiến độ được duyệt. Có những phân đoạn thuộc Gói thầu số 44 đã thi công đạt 40,56% khối lượng, vượt tiến độ 5% so với kế hoạch. Tỉnh Sóc Trăng vừa phát động phong trào thi đua cao điểm 15 ngày đêm đẩy nhanh tiến độ thi công DATP 4, các nhà thầu lập lại tiến độ thi công chi tiết, khẩn trương tập kết nhân sự, thiết bị, vật tư ngay khi có cát đắp nền về công trình để đẩy nhanh thi công bù tiến độ.
Tại cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, các nhà thầu đang “vượt mưa, đua tiến độ” thi công trên công trường. Ở khu vực thi công nút giao IC2 (TP. Cần Thơ), nhà thầu tập trung gia công đổ bê tông móng, mố, trụ... làm cầu nhánh N1, N2, đạt 80% tiến độ... Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, hiện nay, khó khăn về nguồn cát cơ bản được tháo gỡ. Các nhà thầu đang huy động máy móc thiết bị, tăng cường công tác gia tải, hướng đến mục tiêu hoàn thành việc gia tải 110 km tuyến chính vào cuối tháng 10/2024. Đây là tiền đề quan trọng để hoàn thành toàn bộ Dự án vào cuối năm 2025.
Bên cạnh các cao tốc, Dự án Vành đai 3 - TP.HCM cũng có chuyển biến đáng ghi nhận. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, địa phương và nhà thầu đang gấp rút hoàn thiện thủ tục để có thể khai thác những mỏ cát đầu tiên phục vụ Dự án.
“TP.HCM đang tích cực phối hợp với các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre hoàn thiện thủ tục cấp phép các mỏ vật liệu phục vụ Vành đai 3. Theo đó, trong tháng 8 và 9/2024, tỉnh Tiền Giang hoàn thành thủ tục cấp phép 5 mỏ cát với tổng trữ lượng khoảng 6,6 triệu m³, trong đó khối lượng dự kiến cung cấp trong năm 2024 là 3 triệu m³. Tới đầu tháng 9, tỉnh Vĩnh Long dự kiến hoàn thành thủ tục khai thác 6 mỏ cát với tổng khối lượng 1,4 triệu m³. Dự kiến, tới tháng 12/2024, tỉnh Bến Tre cũng hoàn thành thủ tục khai thác và cung cấp cát với tổng khối lượng 2 triệu m³. Khối lượng cát trên sẽ đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công, đảm bảo hoàn thành Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM đúng theo tiến độ đề ra”, ông Phúc nói.
Trong thời gian chờ cát, các nhà thầu đã huy động thiết bị, nhân lực tập trung thi công các phần cầu, cống, đường trên cao, nút giao. Hiện nhiều đoạn tuyến Vành đai 3 - TP.HCM duy trì thi công "3 ca, 4 kíp". Đoạn qua tỉnh Long An khối lượng thi công đạt trên 35% so với hợp đồng.
Ông Trần Thiện Trúc, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An thì chia sẻ, tiến độ đang được kiểm soát tốt nhưng Long An vẫn thực hiện theo tinh thần "3 ca, 4 kíp", ngày đêm không nghỉ. Các DATP khác thuộc Dự án Vành đai 3 - TP.HCM đi qua 3 địa phương còn lại (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương) cũng đang được các chủ đầu tư, nhà thầu tích cực khắc phục vướng mắc để tăng tốc thi công. Tiến độ đoạn qua TP.HCM đạt trên 22%, qua tỉnh Bình Dương đạt trên 13%, qua tỉnh Đồng Nai đạt 4%.
Trên công trường cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang. Ảnh: Tiên Giang |
Kết nối đồng bộ, thông suốt
Bên cạnh những dự án cao tốc đang trong giai đoạn tăng tốc thi công, trong 2 năm gần đây, nhiều dự án đầu tư xây dựng cao tốc đã được nghiệm thu hoàn thành đầu tư như: cao tốc Bắc - Nam các đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2. Hàng trăm km cao tốc này được đưa vào khai thác đã giúp tăng năng lực thông hành đường bộ, kết nối các khu vực trọng điểm Nam Trung Bộ - Đông Nam Bộ - Tây Nam Bộ, dần tạo lập trục dọc thông suốt, thuận lợi giao thương, phát triển kinh tế - xã hội.
Thêm một tín hiệu vui là mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) theo phương thức PPP. Với chiều dài 51 km, vận tốc thiết kế 120 km/h, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 19.617 tỷ đồng, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và bảo đảm an toàn giao thông trên Quốc lộ 22; góp phần tạo hành lang vận tải TP.HCM nối Tây Ninh, phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - TP.HCM - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, Tây Ninh nói riêng và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ nói chung, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác phát triển vùng Đông Nam Bộ với Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần 4 diễn ra tại TP.HCM vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một để phấn đấu khởi công đầu năm 2025.
Một cao tốc có tính chất liên vùng khác được tỉnh Lâm Đồng cùng nhà đầu tư tích cực chuẩn bị để khởi công vào cuối năm 2024 là Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. Đây là DATP thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương với tổng chiều dài hơn 200 km nối hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, là hạ tầng quan trọng kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ với khu vực Tây Nguyên.
Ở vị trí hạt nhân các tỉnh phía Nam - TP.HCM, ngoài đường Vành đai 3 - TP.HCM đang thi công và dự kiến hoàn thành, khép kín vào năm 2026, thì 2 cao tốc cửa ngõ hiện hữu đang được lên kế hoạch mở rộng. Theo đó, ở phía Tây, đơn vị tư vấn đang trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận. Ở cửa ngõ phía Đông, phương án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn từ nút giao Vành đai 2 - TP.HCM đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (dài 21,92 km) đang được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) nghiên cứu đề xuất. Song song đó, đoạn từ nút giao An Phú đến Vành đai 2 - TP.HCM đang được Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất đầu tư mở rộng mỗi bên thêm 4,75m, quy mô 8 làn xe, bề rộng nền đường 36m.
Hầu hết niên độ các dự án cao tốc, vành đai đang thực hiện, chuẩn bị đầu tư trên đây đều có thời gian hoàn thành đi vào khai thác trong các năm 2026, 2027. Bức tranh liên kết không gian kinh tế các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên ngày càng rõ nét khi hàng loạt công trình đang bứt tốc. Năng lực thông hành tại các tỉnh phía Nam sẽ được cải thiện mạnh mẽ, hiện đại, dọc - ngang thông suốt, tạo động lực cho kinh tế bứt tốc, vươn lên.