Ảnh Internet |
Vấn đề phạm vi nợ công đạt được sự đồng thuận cao, trong khi một số đại biểu cho rằng cần phải làm rõ về quyền hạn của các cơ quan trong quản lý nợ công.
Xác định phạm vi nợ công từ bản chất vấn đề
Dự thảo Luật gửi tới các đại biểu Quốc hội đã khẳng định rõ các khoản nợ công không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật, trong đó có khoản nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng) đã bày tỏ thống nhất cao với phạm vi điều chỉnh của nợ công là nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), nếu quy định nợ của DNNN thuộc phạm vi nợ công thì Nhà nước có nghĩa vụ phải trả nợ thay trong trường hợp DNNN không trả được nợ, làm gia tăng nợ công, ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia.
Đại biểu Mai Hồng Hải cho rằng, giải thích như vậy dễ gây hiểu nhầm về việc không đưa nợ tự vay tự trả của DNNN vào phạm vi nợ công vì sợ gia tăng nợ công. “Phải xem xét từ bản chất của vấn đề, nghĩa vụ nợ do DNNN tự vay, tự trả nghĩa là Nhà nước không vay và cũng không bảo lãnh nên không đủ điều kiện là nợ công. DNNN là công ty TNHH MTV hoạt động theo Luật DN nếu không trả được nợ thì xử lý bằng tài sản bảo đảm, trường hợp xấu đến mức phải phá sản thì Nhà nước cũng chỉ mất vốn trong phạm vi vốn điều lệ chứ không phát sinh nợ của Nhà nước” - đại biểu này phân tích.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) phân tích thêm, quy định tại Khoản 3 Điều 1 (Các khoản nợ tự vay tự trả của DNNN, nợ tự vay tự trả của đơn vị sự nghiệp công lập, nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này) là vừa thừa, vừa không đầy đủ. Theo đại biểu này, chỉ cần quy định như Khoản 2 Điều 1 (Nợ công quy định tại Luật này bao gồm nợ Chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh; nợ chính quyền địa phương) là đầy đủ. “Bởi, quan trọng là việc cam kết bảo lãnh của Chính phủ, nhất là bảo lãnh cho DNNN vay, phải thực sự chặt chẽ, đồng thời kiểm soát đối với khoản đi vay của chính quyền địa phương” - đại biểu Nguyễn Tạo nhấn mạnh.
Tạo quyền chủ động trong điều hành của Chính phủ
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng dành nhiều quan tâm về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý nợ công, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng nợ công.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) bày tỏ quan điểm, thực tiễn cho thấy cơ chế phối hợp là một trong những hạn chế lớn của quản lý nhà nước. Do đó, Dự thảo Luật đã giao Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công và Bộ Tài chính là đầu mối nhưng lại chưa quy định rõ nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước thì sẽ không tạo hành lang pháp lý cụ thể khi triển khai thực hiện cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi thực hiện quản lý nhà nước về nợ công.
Do đó, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết yêu cầu Dự thảo Luật cần làm rõ trách nhiệm tổng thể trong quản lý nợ công bao gồm nợ trong nước, nợ nước ngoài và tiến độ trả nợ; không phân thành mảnh ghép nhằm khắc phục những tồn tại và thể hiện rõ cơ chế phối hợp như thế nào để tránh chồng chéo, cắt khúc nhằm phát huy hiệu quả trong quản lý nợ công.
Bày tỏ quan điểm thống nhất như Dự thảo, tuy nhiên đại biểu Mai Hồng Hải vẫn còn băn khoăn về quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ trong quản lý nợ công. Theo ông Hải, hạn chế của Luật Quản lý nợ công năm 2009 không chỉ là khâu đi vay mà là cả khâu sử dụng vốn vay, trả nợ và các nhiệm vụ quản lý nợ công như bảo lãnh, cho vay lại, quản lý rủi ro… Do đó, Dự thảo Luật lần này cần quan tâm, làm rõ trách nhiệm đầu mối của Bộ Tài chính nhưng vẫn tạo quyền chủ động phân công điều hành của Chính phủ theo luật tổ chức Chính phủ. Ngoài ra, cần làm sâu sắc hơn nhiệm vụ, quyền hạn, thậm chí là trách nhiệm của Bộ Tài chính với tư cách là đơn vị đầu mối cả ở khâu đi vay, khâu quản lý, sử dụng vốn vay, trả nợ và các nghiệp vụ quản lý nợ công.