Khắc phục tồn tại, hạn chế trong đấu giá: Sửa Luật Đấu giá tài sản là chưa đủ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Câu chuyện đấu giá đất ở Thủ Thiêm một lần nữa được đưa ra bàn thảo tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) như là ví dụ điển hình về những bất cập, vướng mắc trong hoạt động đấu giá tài sản (ĐGTS). Theo nhiều đại biểu Quốc hội, việc sửa Luật ĐGTS ở thời điểm này là cần thiết để ngăn chặn những tiêu cực trong hoạt động đấu giá, nhưng để xử lý hiệu quả hơn thì phải có quy định đồng bộ của nhiều luật chuyên ngành.
Việc doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm với giá cao rồi bỏ cọc đặt ra vấn đề phải sửa đổi các quy định liên quan đến đấu giá tài sản. Ảnh: Lê Tiên
Việc doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm với giá cao rồi bỏ cọc đặt ra vấn đề phải sửa đổi các quy định liên quan đến đấu giá tài sản. Ảnh: Lê Tiên

Sửa Luật Đấu giá tài sản có khắc phục được những bất cập?

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2023 (tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV). Trước khi trình Quốc hội, tại Phiên họp thứ 25 của UBTVQH, nhiều vấn đề được đặt ra với cơ quan soạn thảo, trong đó có việc sửa Luật ĐGTS có giải quyết được những bất cập, vướng mắc trong hoạt động này?

Các vấn đề bất cập về ĐGTS nóng lên từ vụ đấu giá đất Thủ Thiêm khi doanh nghiệp trúng đấu giá với mức hơn 2 tỷ đồng/m2, sau đó bỏ cọc. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề, nghị quyết chất vấn của UBTVQH thời điểm đó đã ghi rõ phải sửa đổi Luật ĐGTS để khắc phục những vấn đề đó. Vậy thì sửa Luật lần này đã giải quyết được những hạn chế đó chưa?

Dẫn chứng tiếp một vụ việc ĐGTS tại “Nhà máy Bột giấy Phương Nam” - một trong những dự án yếu kém, thua lỗ của ngành công thương, dây chuyền sản xuất đặc thù (sản xuất bột giấy từ cây đay) rất khó thanh lý, nhưng vì là dây chuyền sản xuất nên phải định giá theo nguyên tắc dây chuyền sản xuất, không thể định giá như tài sản tồn kho của doanh nghiệp.

"Công ty định giá đưa ra giá hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng từ đó đến nay không bán được. Luật ĐGTS là luật hình thức, còn nội dung ở các luật khác. Vậy giữa luật nội dung và luật hình thức cần quy định như thế nào, cái gì quy định trong luật này, cái gì quy định ở luật khác? Cần phải sửa thêm cái gì so với luật hiện hành?", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu câu hỏi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ quan điểm, các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động ĐGTS là một hệ thống văn bản, nằm ở nhiều quy định pháp luật liên quan, trong đó có Luật ĐGTS. Luật ĐGTS chủ yếu quy định hình thức. Do đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhiều lần yêu cầu rà soát sửa đổi, khắc phục sơ hở, bất cập, chồng chéo có nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm trong lĩnh vực tài sản, trong đó có ĐGTS. Sửa Luật ĐGTS chỉ là một phần, không kỳ vọng rằng sửa Luật ĐGTS sẽ khắc phục hết những bất cập hiện nay về ĐGTS mà phải đồng bộ ở các luật.

Sửa đổi, bổ sung quy định đối với tài sản đặc thù

Trước những vấn đề đặt ra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, trong việc sửa luật lần này, quan điểm và cách tiếp cận không có sự thay đổi so với luật hiện hành. Đây là luật thủ tục, luật hình thức thể hiện nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá, con người thực hiện quyền đấu giá và tổ chức hành nghề… Còn các vấn đề khác thể hiện và tuân theo luật chuyên ngành.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, việc sửa Luật lần này tập trung thắt chặt quy định liên quan đến trình tự, thủ tục đấu giá để tránh thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”, nhất là khi phần lớn cuộc đấu giá liên quan đến đất đai, tài sản nhà nước; yêu cầu niêm yết quy chế đấu giá công khai; thời hạn niêm yết thế nào là hợp lý, bán tại nơi nào; xem xét kỹ các điều kiện người tham gia đấu giá; hủy kết quả bán ĐGTS; vấn đề liên quan tổ chức phiên đấu giá.

Theo Dự thảo Luật ĐGTS (sửa đổi), đối với các tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản và quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tại Điều 35 có quy định riêng về thời gian niêm yết đấu giá đảm bảo tính chặt chẽ, thông tin đấu giá minh bạch, khách quan. Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 38 về địa điểm, thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ, thành phần hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia đấu giá, đồng bộ với việc nộp tiền đặt trước; bổ sung quy định mới về thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá và trách nhiệm xét duyệt yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá để đảm bảo thời gian thẩm tra hồ sơ, xác định năng lực, điều kiện của người tham gia đấu giá; bổ sung cách thức xác định tiền đặt trước, việc đảm bảo an toàn cho khoản tiền đặt trước. Tại Điều 53, bổ sung quy định về việc đấu giá theo thủ tục rút gọn không áp dụng đối với tài sản đặc thù và các tài sản khác theo quy định của luật có liên quan.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, sẽ báo cáo lại Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tiếp thu các ý kiến để chỉnh lý Dự thảo cũng như tờ trình cho phù hợp và rõ hơn.

Tin cùng chuyên mục