Khắc phục tồn tại trong giám sát, đánh giá đầu tư

(BĐT) - Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), có tình trạng một số cơ quan, cán bộ, công chức còn hạn chế về trình độ công nghệ thông tin, nghiệp vụ; chưa nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật, các mẫu biểu dẫn đến nhiều sai sót trong báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư (GSĐGĐT).
Các đơn vị cần chủ động hơn trong việc sử dụng Hệ thống thông tin trong công tác giám sát đánh giá đầu tư. Ảnh: Ninh Toàn
Các đơn vị cần chủ động hơn trong việc sử dụng Hệ thống thông tin trong công tác giám sát đánh giá đầu tư. Ảnh: Ninh Toàn

Còn hạn chế, sai sót

Bộ KH&ĐT cho biết, công tác GSĐGĐT được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Nghị định số 84/2015/NĐ-CP, Thông tư số 22/2015/TT-BKHĐT, Thông tư số 13/2016/TT-BKHĐT. Theo đó, thời điểm các cơ quan gửi báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2017 trên Hệ thống thông tin về đầu tư sử dụng vốn nhà nước để Bộ KH&ĐT tổng hợp số liệu là trước ngày 1/3/2018.

Tuy nhiên, đến ngày 28/2/2018, chỉ có 28/123 cơ quan gửi báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2017. Do không đảm bảo số lượng để tổng hợp, Bộ KH&ĐT đã gửi Công điện số 1148/CĐ-BKHĐT đôn đốc các cơ quan lập và gửi báo cáo GSĐGĐT. Đến ngày 31/3/2018 - thời điểm chốt danh sách để tổng hợp số liệu thì có 109/123 cơ quan thực hiện báo cáo, đạt 88,62%; năm 2016 có 94/123 cơ quan báo cáo, đạt 76,4%; năm 2015 có 105/123 cơ quan báo cáo, đạt 84%.

Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, năm 2017 có 14 cơ quan không báo cáo trên Hệ thống thông tin để Bộ tổng hợp. Trong đó, 2 cơ quan là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam có bản dự thảo báo cáo trên Hệ thống thông tin nhưng chưa duyệt chính thức; 10 cơ quan không báo cáo trên Hệ thống thông tin nhưng có gửi báo cáo bằng văn bản. Năm 2017 có 27 cơ quan chỉ gửi các phụ biểu số liệu, không có thuyết minh báo cáo trên Hệ thống thông tin (gồm 15 tỉnh, 7 bộ và cơ quan trung ương, 5 tập đoàn, tổng công ty). Đặc biệt, một số cơ quan không nhập đầy đủ các số liệu báo cáo hoặc sai đơn vị tính như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Nội vụ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công Thương; Ngân hàng Nhà nước; các tỉnh: Thái Nguyên, Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hậu Giang…

Bộ KH&ĐT đánh giá, sự cố gắng của nhiều cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện công tác GSĐGĐT để cập nhật số liệu vào Hệ thống thông tin đã góp phần từng bước nâng cao chất lượng công tác này, giảm bớt khối lượng báo cáo giấy, hướng tới mục tiêu thông tin của các chương trình, dự án sử dụng vốn nhà nước sẽ được đăng tải trên mạng Internet theo quy định để các tổ chức, cá nhân và xã hội tra cứu, cùng giám sát và đánh giá. Tuy nhiên, một số cơ quan, cán bộ, công chức còn hạn chế về trình độ công nghệ thông tin, nghiệp vụ; chưa nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật, các mẫu biểu hướng dẫn, dẫn đến thông tin báo cáo còn nhiều sai sót. Đặc biệt, khi số liệu của một cơ quan không chính xác (sai đơn vị tính), các số liệu thiếu tính hợp lý ảnh hưởng đến độ chính xác, tiến độ tổng hợp số liệu chung của Bộ KH&ĐT. 

Xử lý nghiêm các vi phạm về báo cáo giám sát đánh giá đầu tư

Về phía Bộ KH&ĐT, mặc dù đã có nhiều cố gắng hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận và cập nhật số liệu GSĐGĐT, nhưng tại một số thời điểm, do dung lượng còn hạn chế nên khả năng truy cập còn chậm, các thao tác chưa được thuận lợi. Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.

Qua tổng hợp tình hình và kết quả công tác GSĐGĐT, Bộ KH&ĐT đã có những kiến nghị cụ thể, đề xuất các giải pháp đối với các bộ, ngành trung ương, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Cụ thể, đối với các cơ quan không gửi báo cáo, chưa cập nhật được báo cáo trên Hệ thống thông tin, Bộ KH&ĐT yêu cầu lãnh đạo các cơ quan tổ chức kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan.

Bộ KH&ĐT cũng đề nghị các bộ, ngành trung ương, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty kiện toàn bộ máy và quy trình thực hiện công tác GSĐGĐT trong phạm vi quản lý của mình; tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực về công tác GSĐGĐT cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, ban giám sát đầu tư của cộng đồng và các đối tượng liên quan; đồng thời bố trí nguồn lực phù hợp với hoạt động GSĐGĐT.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần chủ động trong việc sử dụng Hệ thống thông tin trong công tác GSĐGĐT; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các chủ đầu tư tổ chức thực hiện tốt việc báo cáo trực tuyến, cập nhật các thông tin về dự án đầu tư trên Hệ thống thông tin theo quy định.

Bộ KH&ĐT đề nghị thực hiện nghiêm việc xử lý hành vi vi phạm các quy định về báo cáo GSĐGĐT tại Nghị định số 84/2015/NĐ-CP, Nghị định số 50/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KH&ĐT; xử lý những chủ đầu tư không thực hiện báo cáo GSĐGĐT theo quy định; gửi Bộ KH&ĐT về kết quả xử lý để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong kỳ báo cáo tiếp theo.