Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 dài 729 km, gồm 12 dự án thành phần với tổng cộng 25 gói thầu xây lắp. Ảnh: Lê Tiên |
Khẩn trương lựa chọn nhà thầu
Ngày 25/12/2022, Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận đã công bố kết quả chỉ định thầu đơn vị thi công 2 dự án thành phần tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài 37,65 km đi qua địa bàn Cần Thơ, Hậu Giang. Đây là dự án chỉ có duy nhất 1 gói thầu xây lắp với giá trị hơn 7.555 tỷ đồng, thời gian thực hiện là 1.020 ngày. Nhà thầu được chỉ định thầu là Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng công ty 36 - Tổng công ty Xây dựng số 1 - Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C - Công ty CP Xây dựng Tân Nam.
Cùng ngày, Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài 73,223 km qua các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau cũng đã có kết quả chỉ định thầu Gói thầu XL-02 Thi công xây dựng đoạn tuyến Km91+800 - Km114+200 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công). Với giá chỉ định thầu hơn 3.717 tỷ đồng, Liên danh Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C - Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 - Công ty CP Hải Đăng - Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn sẽ thực hiện hợp đồng trong 1.020 ngày.
Trước đó, ngày 24/12/2022, Ban QLDA 6 đã ký hợp đồng 2 gói thầu xây lắp thuộc Dự án cao tốc Bùng - Vạn Ninh. Theo đó, Gói thầu XL-01 Thi công xây dựng đoạn Km625+000 - Km655+285,04 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) có giá trị 3.939 tỷ đồng được giao cho Liên danh Công ty CP Tập đoàn Cienco4 - Tổng công ty 36 - Công ty CP Đầu tư xây dựng Trường Sơn - Công ty CP 471. Gói thầu được thực hiện trong 34 tháng. Gói thầu XL02 Thi công xây dựng đoạn Km655+285,04 - Km674+556,65 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) có giá trị 3.501 tỷ đồng được trao cho Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công ty CP Đầu tư xây dựng Trường Sơn.
Sáng 26/12/2022, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh tổ chức Lễ ký hợp đồng các gói thầu xây lắp XL01 và XL02 thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ. Theo kết quả lựa chọn nhà thầu, Gói thầu XL01 được trao cho Liên danh Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Xây dựng 368. Gói thầu XL02 được trao cho Liên danh Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh - Công ty CP Giao thông xây dựng số 1 - Công ty CP Tổng công ty Đường sắt…
Công tác lựa chọn nhà thầu đã hoàn thành để khởi công 12 gói thầu đầu tiên thuộc Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 trong ngày đầu năm 2023. Các gói thầu được lựa chọn khởi công gồm: Gói thầu 11-XL đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi (35,2 km), Gói thầu 11-XL đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng (30 km), Gói thầu XL02 đoạn Vũng Áng - Bùng (23,54 km), Gói thầu XL01 đoạn Bùng - Vạn Ninh (30,29 km), Gói thầu XL02 đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ (32,54 km), Gói thầu XL1 đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (30 km), Gói thầu 11-XL đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn (23,5 km), Gói thầu 12-XL đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh (22,1 km), Gói thầu XL02 đoạn Chí Thạnh - Vân Phong (24,05 km), Gói thầu XL02 đoạn Vân Phong - Nha Trang (30,85 km), Dự án đoạn Cần Thơ - Hậu Giang (1 gói thầu, 37,65 km), Gói thầu XL02 đoạn Hậu Giang - Cà Mau (22,4 km).
Với 13 gói thầu còn lại, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu phải mở thầu, đánh giá, thương thảo và ký hợp đồng trước ngày 10/1/2023 để khởi công trước ngày 15/1/2023.
Tăng tính chuyên nghiệp, chủ động
Từ kinh nghiệm triển khai Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2021, đến nay, công tác chuẩn bị cho Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã tăng tính chuyên nghiệp, chủ động hơn rất nhiều. Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, cả hệ thống chính trị đã và đang vào cuộc chuẩn bị cho “đường lăn” cao tốc đúng lộ trình.
Đầu tiên là khâu mặt bằng, yếu tố có sức ảnh hưởng tối quan trọng với tiến độ của toàn tuyến cao tốc. Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ cho biết, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có các dự án thành phần đi qua địa bàn 6 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Phú Yên như: Sông Cầu, Tuy An, Tuy Hòa, Phú Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa; đất nông nghiệp và đất công bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng (GPMB) là 78,16 km/90,122 km. Các chủ đầu tư đã bàn giao cọc GPMB 90,122 km, đạt 100%. Tỉnh Phú Yên đã cam kết đến ngày 31/12/2022 bàn giao toàn bộ phần đất công và tối thiểu 70% đất nông nghiệp, trong tháng 1/2023 bàn giao toàn bộ phần đất nông nghiệp, đồng thời phấn đấu bàn giao toàn tuyến trước ngày 31/3/2023.
Tại Quảng Bình, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND Tỉnh cho biết, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong Tỉnh đã hoàn thành công tác trích đo hiện trường. Sở Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt hồ sơ trích đo với phạm vi 125,66/125,86 km. Hội đồng GPMB các huyện, thị xã, thành phố nơi có Dự án đi qua đã thực hiện kiểm đếm tài sản trên đất phạm vi 127,42 km, đạt 99,5%.
Tại Quảng Trị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cam kết, đến hết tháng 12/2022, đoạn tuyến 32,54 km cao tốc đi qua địa bàn Tỉnh sẽ được bàn giao 70%.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, đây là nỗ lực rất lớn của các địa phương, bởi đầu tháng 12/2022, nhiều địa phương kể trên vẫn nằm trong danh sách chậm bàn giao mặt bằng.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, đại diện tỉnh Hậu Giang cho biết, Tỉnh đã bàn giao mặt bằng Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đạt 82,5%, đảm bảo mặt bằng khởi công, hoàn thành sớm hơn so với yêu cầu tại Nghị quyết 18/NQ-CP về triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và theo chỉ đạo của Chính phủ. Hậu Giang là địa phương được Bộ Giao thông vận tải đánh giá đã phê duyệt phương án bồi thường và giải ngân đạt mức cao, vượt kế hoạch về GPMB theo tiến độ thời gian Thủ tướng Chính phủ quy định.
Ngoài mặt bằng, câu chuyện nóng nhất đối với các nhà thầu thi công cao tốc chính là việc tiếp cận các nguồn vật liệu. Trong giai đoạn 1 của cao tốc Bắc - Nam phía Đông, do chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hàng loạt nhà thầu tên tuổi đều có dấu hiệu hụt hơi, mệt mỏi do thị trường vật liệu biến động khó lường, nguồn cung khan hiếm, thủ tục cấp phép kéo dài. “Vấn đề quyết định sống còn của tiến độ dự án cao tốc chính là nguồn vật liệu, đặc biệt là nguồn cát. Nhà thầu mong muốn Bộ Giao thông vận tải, chủ đầu tư và các địa phương nhận diện sớm khó khăn liên quan đến vật liệu và có giải pháp tháo gỡ ngay để nhà thầu yên tâm thi công”, đại diện Liên danh nhà thầu thi công Gói thầu XL02 đoạn Hậu Giang - Cà Mau đề nghị.
Nhận diện nỗi lo thường trực này, liên tục trong năm 2022, Liên bộ Giao thông vận tải - Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành hàng chục cuộc khảo sát. Đơn vị tư vấn của Bộ Giao thông vận tải đã cùng các chủ đầu tư khảo sát, đánh giá, tổng hợp hàng trăm mỏ khai thác vật liệu tại hàng chục địa phương để kịp thời có dữ liệu chính xác nhất, chuẩn bị cho công tác lập dự toán.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, liên tục các chuyến đi ngang dọc đến các tỉnh đầu nguồn sông Hậu, sông Tiền như An Giang, Đồng Tháp, rồi lại đến những chuyến đi dài dọc các tỉnh hạ lưu sông Tiền và sông Hậu như Sóc Trăng, Vĩnh Long… để tìm nguồn vật liệu cát đủ tiêu chuẩn sử dụng cho cao tốc (18,46 triệu m3) là khối lượng công việc khổng lồ. “Nhưng đây là những dự án trọng điểm quốc gia, tất cả đều phải vào guồng để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất, tránh bị thiếu cát khi đang thi công khiến nhà thầu vỡ cam kết đề ra”, ông Kiên cho biết.
Xác định mỏ, trữ lượng cát/đất là một việc. Việc quan trọng hơn chính là thủ tục cấp giấy phép khai thác, giúp nhà thầu chủ động tiếp cận các nguồn mỏ này hiệu quả. “Giai đoạn triển khai 2021 - 2025 thực sự được chuẩn bị bài bản vì Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tăng cường tạo điều kiện cho các nhà thầu làm việc trực tiếp với các mỏ khai thác. Cấm tuyệt đối tình trạng găm hàng, mua đi bán lại lòng vòng đẩy giá vật liệu lên cao. Đồng thời, tạo cơ chế đặc thù để đơn giản hóa, hoàn thành nhanh gọn việc cấp giấy phép khai thác mỏ từ các địa phương. Đây là cơ hội lớn cho các nhà thầu chủ động nguồn vật liệu, tính toán chi phí hợp lý trong quá trình thi công”, đại diện Liên danh Công ty CP Xây dựng Trung Nam 18 E&C - Công ty CP Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam - Công ty CP Phát triển xây dựng và Thương mại Thuận An - Công ty CP Xây dựng dịch vụ và Thương mại 68 - Công ty CP Hải Đăng, nhà thầu được chỉ định thi công Gói thầu 12-XL đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh khẳng định.
Theo Thông báo số 368/TB-VPCP ngày 2/12/2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, mục tiêu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định là một trong ba đột phá chiến lược, trong đó ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông.
Giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội, Chính phủ đã ưu tiên dành mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bao gồm nguồn vốn đầu tư công, tăng thu tiết kiệm chi... Tổng nguồn vốn bố trí giai đoạn này đạt khoảng 470 nghìn tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với giai đoạn 2016 - 2020.
Thủ tướng Chính phủ nhận định, khối lượng công việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tương ứng lớn gấp 3 lần so với các giai đoạn trước, vì vậy đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức, bộ, ngành phải đổi mới cách làm, đổi mới tư duy, tiếp cận xử lý vấn đề; đổi mới cách tổ chức thực hiện; ứng xử có trách nhiệm với công việc, phải thực sự tâm huyết; nói đi đôi với làm, đã hứa thì phải thực hiện và thực hiện có hiệu quả.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện các ban QLDA được giao thực hiện dự án cao tốc cho biết, ngay tại lễ ký hợp đồng, tất cả các nhà thầu đều tham gia ký giao ước phong trào thi đua. Theo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, nhà thầu cần khẩn trương làm chủ tiến độ ngay sau khi phát lệnh khởi công. Theo đó, các nhà thầu cần tuân thủ nghiêm túc cam kết hợp đồng, đặt chất lượng và tiến độ lên trên hết. Tuyệt đối không bán thầu, sang nhượng bất hợp pháp, nhà thầu phải dồn mọi nguồn lực để đảm bảo mỗi gói thầu là quyết tâm, là sức mạnh của tự bản thân mỗi nhà thầu.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm, để khởi công, thi công toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, toàn bộ hệ thống chính trị đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chuyên nghiệp từ nhiều năm, đồng thời, kế thừa và đúc rút kinh nghiệm từ các gói thầu giai đoạn trước. 25 gói thầu thu hút sự tham gia của những nhà thầu tên tuổi, uy tín nhất hiện nay trên cả nước trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải mong rằng, các nhà thầu được chọn lựa sẽ vững bản lĩnh tiên phong, nhà thầu “anh cả” bằng việc đưa Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông về đích đúng tiến độ.