Khai phá tiềm năng điện gió: Cần rõ chính sách để đạt mục tiêu 2030

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên gió được các nhà đầu tư đánh giá tốt nhất trên toàn cầu, thị trường điện gió Việt Nam đang có sức hút lớn. Dự thảo Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đến năm 2030 có 7GW điện gió ngoài khơi và 21GW điện gió trên bờ. Theo nhiều nhà đầu tư, Việt Nam cần cơ chế chính sách rõ ràng để sớm hiện thực hóa mục tiêu này.
Việc phát triển điện gió, từng bước hình thành ngành công nghiệp nội địa về lắp đặt thi công, chế tạo thiết bị là định hướng lớn của Chính phủ. Ảnh: Nhã Chi
Việc phát triển điện gió, từng bước hình thành ngành công nghiệp nội địa về lắp đặt thi công, chế tạo thiết bị là định hướng lớn của Chính phủ. Ảnh: Nhã Chi

Hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước

Tại Hội nghị Điện gió Việt Nam 2022 được tổ chức mới đây, ông Bùi Vĩnh Thắng, Giám đốc quốc gia của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) tại Việt Nam cho biết, thị trường điện gió Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này được thể hiện ngay trong Hội nghị khi thu hút sự quan tâm và tham dự của rất nhiều nhà đầu tư đến từ các quốc gia như: Na Uy, Đan Mạch, Đức… cũng như các nhà đầu tư trong nước.

Đánh giá cao tiềm năng điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi của Việt Nam, ông Adam Bruce, Giám đốc đối ngoại toàn cầu của Công ty Mainstream Renewable Power nhìn nhận, Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng để phát triển và thu hút đầu tư quốc tế trong ngành công nghiệp mới này, qua đó đóng góp đáng kể cho sự phát triển của đất nước, đồng thời góp sức đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương cho hay, việc phát triển điện gió, từng bước hình thành ngành công nghiệp nội địa về lắp đặt thi công, chế tạo thiết bị nhằm tăng tính tự chủ, giảm giá thành là định hướng lớn của Chính phủ Việt Nam trong những năm tới.

Bên lề Hội nghị, ông Hoàng Giang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV PE Việt Nam cho rằng, chủ trương phát triển năng lượng tái tạo của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là những cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26 đã tạo động lực rất lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước thúc đẩy đầu tư vào ngành năng lượng.

Liên quan lĩnh vực này, một báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây cho biết, tính đến ngày 31/8/2022, Bộ đã nhận được 55 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi, trong đó có 6 đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài, 13 đề xuất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và 36 đề xuất của nhà đầu tư trong nước.

Ngoài ra, theo thống kê chưa đầy đủ từ các địa phương có biển, hiện có khoảng 40 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi thuộc thẩm quyền thẩm định, chấp thuận của UBND cấp tỉnh.

Nhà đầu tư cần chính sách rõ ràng

Trong khuôn khổ Hội nghị, đa số ý kiến của nhà đầu tư bày tỏ mong muốn hoàn chỉnh khung chính sách phát triển điện gió tại Việt Nam với quy định rõ ràng, chặt chẽ, giúp nhà đầu tư yên tâm đầu tư, phát triển dự án lĩnh vực này.

Từ góc nhìn của nhà đầu tư, ông Giang cho rằng, đến thời điểm này, chính sách ưu đãi về giá - giá FIT cho phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời) - đã hết hạn nhưng cơ chế chính sách cho các dự án chuyển tiếp cũng như các dự án mới vẫn chưa rõ ràng khiến không ít nhà đầu tư lĩnh vực này gặp khó khăn.

“Nếu những khó khăn về cơ chế cho các dự án điện tái tạo chuyển tiếp không được tháo gỡ thì tương lai phát triển các dự án mới dự báo sẽ khó hấp dẫn các nhà đầu tư, thậm chí có thể làm giảm sức hút với nhà đầu tư ngoại”, ông Giang nói.

Đề cập về mục tiêu Việt Nam có 7GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030, đại diện GWEC cho rằng, đây là mục tiêu tham vọng, nhưng nếu thực hiện được có thể giúp Việt Nam cải thiện an ninh năng lượng với các chi phí có thể dự đoán được và tạo ra hàng chục nghìn việc làm có chất lượng.

Tuy nhiên, ông Thắng chỉ ra, phải mất từ 6 - 8 năm mới có thể đưa một trang trại điện gió ngoài khơi vào hoạt động. Vì thế, cơ chế chính sách đối với nguồn năng lượng này cần được hoạch định khẩn trương mới có thể hiện thực hóa mục tiêu đặt ra. Về lộ trình, ông Thắng gợi ý, có thể thực hiện thí điểm 4GW điện gió ngoài khơi đầu tiên làm cú huých, tiếp đó áp dụng cơ chế đấu thầu để phát triển.

“GWEC sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xác định các dự án thí điểm điện gió ngoài khơi khả thi, đảm bảo 4GW điện gió ngoài khơi sẽ được thông qua tài chính trước năm 2026”, ông Thắng cho biết.

Ông Phạm Nguyên Hùng nhấn mạnh, phát triển điện gió ngoài khơi trong giai đoạn đến năm 2030 không chỉ đòi hỏi chi phí đầu tư xây dựng cao, mà còn đòi hỏi cao về hạ tầng đồng bộ, tăng cường khả năng vận hành của hệ thống và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Với tính phức hợp của dự án điện gió ngoài khơi, cần thiết phải hoàn thiện khung chính sách phát triển điện gió tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu chung của quốc gia về an ninh năng lượng và chống biến đổi khí hậu.

Tin cùng chuyên mục