Khánh Hoà kỳ vọng bứt phá từ Khu kinh tế Vân Phong

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với tờ trình vừa gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 với tổng diện tích khoảng 150.000 ha, lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà kỳ vọng KKT này sẽ trở thành cực tăng trưởng mới của Tỉnh. Khánh Hòa đang tập trung kêu gọi đầu tư, đưa KKT Vân Phong thành 1 trong 3 trụ cột kinh tế của địa phương.
Khu kinh tế Vân Phong sở hữu vị trí, diện tích lý tưởng để trở thành cực tăng trưởng mới của Khánh Hòa. Ảnh: Minh Hạnh
Khu kinh tế Vân Phong sở hữu vị trí, diện tích lý tưởng để trở thành cực tăng trưởng mới của Khánh Hòa. Ảnh: Minh Hạnh

Theo tờ trình, KKT Vân Phong có diện tích khoảng 150.000 ha, trong đó phần mặt nước khoảng 80.000 ha, phần đất liền và đảo khoảng 70.000 ha.

Ông Nguyễn Trọng Hoàng - Trưởng ban Quản lý KKT Vân Phong cho biết, hiện có 150 dự án (122 dự án trong nước và 28 dự án FDI) đăng ký đầu tư vào KKT này, tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ USD, vốn thực hiện là 2,74 tỷ USD. Môt số dự án lớn đã đi vào hoạt động (Nhà máy Đóng tàu Hyundai Vinashin, Kho xăng dầu ngoại quan), 54 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng (vốn thực hiện trong năm 2022 đạt khoảng 14.025 tỷ đồng, chủ yếu tập trung tại Dự án Nhà máy Điện BOT Vân Phong 1). Trong KKT Vân Phong, Khu công nghiệp Suối Dầu có tỷ lệ lấp đầy đạt 96,7% với 54 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư 300,78 triệu USD (vốn thực hiện đạt 236,04 triệu USD)…

“Ban Quản lý KKT Vân Phong đang hoàn thiện thủ tục trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Dốc Đá Trắng với tổng vốn 1.807 tỷ đồng; hoàn thiện thủ tục trình Tỉnh ủy xem xét điều chỉnh vốn tăng thêm khoảng 21.500 tỷ đồng đối với Dự án Khu du lịch Hòn Ngang - Bãi Cát Thắm (dự án này đã giải ngân khoảng 300 tỷ đồng)”, ông Hoàng cho biết thêm.

Bên cạnh các dự án hiện hữu, đã có nhiều nhà đầu tư chiến lược đề xuất ý tưởng đầu tư nhiều lĩnh vực tại KKT Vân Phong như: lọc hóa dầu, khí hóa lỏng, năng lượng sạch, khu cảng tổng hợp và trung chuyển quốc tế, khu đô thị biển cao cấp, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp…

Danh sách nhà đầu tư đã “ngỏ ý” đầu tư vào KKT Vân Phong được ông Hoàng “bật mí” gồm: Công ty CP Dầu khí Đông Phương, Công ty CP Stavian Hóa chất, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam, Công ty CP Sonadezi, Tổng công ty Becamex IDC, Công ty CP SSI, Công ty CP Sinnec, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn... Những doanh nghiệp này muốn đầu tư vào các lĩnh vực: lọc hóa dầu, năng lượng, công nghiệp, xây dựng phát triển KCN và xây dựng cảng biển. Tại khu vực Bắc Vân Phong, có 5 tập đoàn, công ty muốn đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, du lịch, sân bay, cảng biển, đô thị, gồm: Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn Novaland, Công ty CP Đầu tư Đất Tâm, Công ty CP FPT, Công ty CP Flamingo Holding Group.

Để kịp thời đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, bên cạnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Khánh Hoà đang triển khai công tác quy hoạch phân khu xây dựng trong KKT Vân Phong và các KCN với 12 đồ án trình HĐND Tỉnh trong năm 2023. Theo ông Nguyễn Trọng Hoàng, mục tiêu năm 2023, KKT Vân Phong thu hút đầu tư mới với tổng vốn đăng ký khoảng 30.000 tỷ đồng.

Nói thêm về quy hoạch KKT Vân Phong, theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Vân Phong sẽ phát triển theo mô hình KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cả nước. Trong đó, kinh tế biển là nền tảng với cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistics, đô thị, dịch vụ du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác. Đây cũng là trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi, giải trí tổng hợp cao cấp có những sản phẩm dịch vụ du lịch độc đáo, khác biệt và hiện đại.

“Đến năm 2030, đất xây dựng các khu chức năng khoảng 14.900 ha và dân số tại KKT Vân Phong khoảng 350.000 - 380.000 người. Không gian phát triển theo hai hướng Bắc - Nam. Trong đó, hướng Bắc xây dựng đô thị du lịch cao cấp quốc tế với các loại hình du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf, casino; phía Nam sẽ làm đô thị công nghiệp. Đặc biệt, trong quy hoạch lần này, Khánh Hoà đề xuất xây dựng sân bay tại KKT Vân Phong để đảm bảo phục vụ khách du lịch, nhà đầu tư và tạo ưu thế cạnh tranh vượt trội, nâng tầm KKT Vân Phong hướng đến KKT đạt tiêu chuẩn quốc tế”, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục