Khởi công 9 dự án đường sắt quốc gia trên toàn mạng lưới trước năm 2030

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cục Đường sắt Việt Nam thuộc Bộ Xây dựng cho biết, từ nay đến năm 2030 dự kiến khởi công 9 dự án đường sắt quốc gia trên toàn mạng lưới. Có thể thấy, với nhu cầu đầu tư đường sắt giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã mở ra thị trường khoảng 100 tỷ USD thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đang sẵn sàng nhập cuộc.
Từ nay đến năm 2030, dự kiến khởi công 9 dự án đường sắt quốc gia trên toàn mạng lưới
Từ nay đến năm 2030, dự kiến khởi công 9 dự án đường sắt quốc gia trên toàn mạng lưới

Cụ thể, Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đầu tư mới toàn tuyến chiều dài khoảng 1.541 km, điểm đầu ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối ga Thủ Thiêm (TP.HCM); đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng trục 22,5 tấn. Tuyến đi qua 20 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa. Về công năng, vận chuyển hành khách, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 67,34 tỷ USD; sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn hợp pháp khác. Dự án được lập báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2035.

Dự án Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đầu tư mới toàn tuyến chiều dài khoảng 388,1 km (đoạn Lào Cai - Cảng Lạch Huyện dài 383 km, đoạn ga Lào Cai - điểm nối ray dài 5,1 km); tuyến nhánh nối cảng Đình Vũ dài 7,3 km, các tuyến nhánh nối ga Yên Viên 7,73 km.

Tuyến có điểm đầu là điểm nối ray với Trung Quốc (TP. Lào Cai), điểm cuối tại ga cảng Lạch Huyện (Hải Phòng); đi qua 9 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, có 30 ga hành khách, 2 depot tại Yên Thường, Yên Viên. Tốc độ thiết kế 160 km/h, tuyến vận chuyển hành khách và hàng hóa.

Dự án được thực hiện theo hình thức đầu tư công; tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 8,39 tỷ USD. Về tiến độ thực hiện, lập BCNCKT từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành Dự án chậm nhất vào năm 2030.

Dự án Đường sắt vành đai phía Đông Hà Nội có điểm đầu tuyến tại ga Ngọc Hồi, điểm cuối tuyến tại ga Kim Sơn (Hà Nội). Tổng chiều dài khoảng 31 km, tốc độ tàu khách khoảng 120 km/h, tốc độ tàu hàng khoảng 80 km/h. Dự kiến khởi công Dự án năm 2027, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2032.

Dự án Đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, điểm đầu tuyến tại ga Yên Viên (Hà Nội), điểm cuối tuyến tại ga Cái Lân (Quảng Ninh). Tổng chiều dài khoảng 131 km, khổ lồng 1.435 mm và 1.000 mm. Tuyến trước đây đang được đầu tư, phải đình hoãn, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ. Hiện Bộ Xây dựng giao Ban Quản lý dự án đường sắt lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) để trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt, tiếp tục đầu tư tuyến. Dự kiến tiến độ: phấn đấu khởi công năm 2027, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2030.

Dự án Đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, điểm đầu tuyến tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), điểm cuối tuyến tại ga Long Thành (nằm giữa sân bay Long Thành, Đồng Nai). Tổng chiều dài tuyến khoảng 42 km, vận chuyển hành khách. Dự án đang được lập Báo cáo NCTKT. Dự kiến tiến độ: phấn đấu khởi công năm 2027, hoàn thành năm 2030.

Vừa qua, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP.HCM là cơ quan chủ quản đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và bổ sung vào quy hoạch đường sắt đô thị TP.HCM.

Dự án Đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, điểm đầu tuyến tại ga An Bình (tỉnh Bình Dương), điểm cuối tuyến tại ga Cần Thơ (TP. Cần Thơ). Tổng chiều dài khoảng 175,2 km, tốc độ thiết kế tàu khách khoảng 200 km/h, tốc độ tàu hàng khoảng 120 km/h. Dự án đang được lập Báo cáo NCTKT. Dự kiến tiến độ: phấn đấu khởi công năm 2027, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2032.

Dự án Đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, điểm đầu tuyến tại ga Trảng Bom (Đồng Nai), điểm cuối ga Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu). Tổng chiều dài tuyến khoảng 132 km, tốc độ tàu khách khoảng 160 km/h, tốc độ tàu hàng khoảng 120 km/h. Dự án đang được lập Báo cáo NCTKT. Dự kiến tiến độ: phấn đấu khởi công trước năm 2030, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2035.

Dự án Đường sắt Vũng Áng - Mụ Giạ, điểm đầu tuyến tại ga Vũng Áng (Hà Tĩnh), điểm cuối tuyến tại ga Mụ Giạ (Quảng Bình). Tổng chiều dài tuyến khoảng 105 km, đường đơn khổ đường 1.435 mm, tốc độ tàu khách khoảng 120 km/h, tốc độ tàu hàng khoảng 80 km/h. Nhà đầu tư đang lập Báo cáo NCTKT Dự án. Dự kiến tiến độ: phấn đấu khởi công trước năm 2030, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2035.

Dự án Đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, điểm đầu tuyến tại ga Tháp Chàm (Ninh Thuận), điểm cuối tuyến tại ga Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Tổng chiều dài khoảng 84 km, đường đơn khổ đường 1.000 mm, tốc độ tàu khách khoảng 120 km/h, tốc độ tàu hàng khoảng 80 km/h. Nhà đầu tư đang lập Báo cáo NCTKT Dự án. Dự kiến tiến độ: phấn đấu khởi công trước năm 2030, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2035.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành đường sắt sẽ cải tạo nâng cấp các tuyến hiện có, nối thông tuyến liên vận quốc tế; chuẩn bị đầu tư và thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến mới, trong đó có đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Dự kiến, tổng nhu cầu vốn cho các dự án đường sắt đến năm 2030 khoảng 240.000 tỷ đồng, sử dụng ngân sách nhà nước, ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Đến năm 2030, ngành đường sắt đặt mục tiêu vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,27%; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần 4,40%.

Tin cùng chuyên mục