![]() |
TP.HCM đề nghị xem xét bổ sung 2 dự án đường sắt đô thị vào danh mục dự án kèm theo Nghị quyết số 188/2025/QH15. Ảnh: Tiên Giang |
Hơn 7 tỷ USD phát triển 2 tuyến mới
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng về việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt của Nghị quyết số 188. Theo đó, TP.HCM đề nghị xem xét bổ sung 2 dự án vào danh mục dự án kèm theo Nghị quyết số 188/2025/QH15, gồm: Tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và Tuyến đường sắt kết nối trung tâm TP.HCM đến huyện Cần Giờ.
Đối với Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành (sơ bộ tổng mức đầu tư gần 3,4 tỷ USD), TP.HCM cho biết dự kiến triển khai theo hình thức đầu tư công. Do đang tập trung ngân sách để thực hiện các tuyến metro đã được phê duyệt, TP.HCM đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ, Thủ tướng chấp thuận đầu tư Dự án bằng ngân sách trung ương.
Đối với Dự án đường sắt nối huyện Cần Giờ, TP.HCM cho biết, nghiên cứu sơ bộ do Tập đoàn Vingroup đề xuất có mức vốn khoảng 102.370 tỷ đồng (4,09 tỷ USD), đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Tại dự án này, Vingroup đề xuất sử dụng nguồn vốn của mình và nguồn vốn huy động để đầu tư và dự kiến hoàn thành Dự án trong 3 năm (từ 2025 - 2028).
“Đối với tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, Bộ Xây dựng đã báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương bổ sung vào danh mục dự án kèm theo Nghị quyết số 188/2025/QH15. Đối với tuyến đường sắt kết nối trung tâm TP.HCM đến huyện Cần Giờ, Thủ tướng giao TP.HCM khẩn trương tổ chức nghiên cứu triển khai các dự án đường sắt đô thị (tàu điện ngầm) TP.HCM - Cần Giờ; kêu gọi nhà đầu tư, nhà thầu có năng lực tham gia đầu tư, báo cáo Thủ tướng trong tháng 4/2025”, ông Cường cho biết.
Đề xuất nhiều cơ chế đặc thù
Để đẩy nhanh tiến độ, khơi thông nguồn vốn đầu tư, TP.HCM cho biết đã đề xuất một số chính sách, cơ chế đặc thù khi triển khai các dự án đường sắt đô thị.
Đối với Nghị quyết số 188/2025/QH15, Thành phố đề xuất sửa đổi 2 nội dung.
Cụ thể, sửa đổi điểm đ khoản 2 Điều 5 về thẩm quyền của UBND Thành phố như sau: “Được quyết định việc áp dụng các hình thức chỉ định thầu đối với việc lựa chọn nhà thầu tư vấn, phi tư vấn, thi công; nhà thầu EPC, EC, EP, chìa khóa trao tay; nhà đầu tư các dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD; trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan”.
Đề xuất sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 6 về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD) như sau: Khi lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh phương án tuyến công trình, vị trí công trình trên tuyến đường sắt đô thị, quy hoạch khu vực TOD, UBND Thành phố được quyết định các nội dung khác với quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan.
Trường hợp tuyến, đoạn tuyến công trình đường sắt đô thị chưa được xác định trong quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhưng đã được xác định trong quy hoạch tỉnh/Thành phố hoặc quy hoạch chuyên ngành và đang tổ chức lập, thẩm định, chưa được phê duyệt, UBND Thành phố căn cứ quy hoạch tỉnh/Thành phố hoặc quy hoạch chuyên ngành để quyết định lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh phương án tuyến công trình, vị trí công trình trên tuyến đường sắt đô thị, quy hoạch khu vực TOD làm cơ sở quyết định đầu tư; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện. Sau khi phương án tuyến công trình, vị trí công trình trên tuyến đường sắt đô thị, quy hoạch khu vực TOD được phê duyệt, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch khác có liên quan phải được kịp thời rà soát, điều chỉnh, cập nhật và công bố.
Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, 2 nội dung trên sẽ giúp tháo gỡ về thủ tục, thời gian, tăng thẩm quyền triển khai dự án, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiềm lực tham gia phát triển dự án, đáp ứng tiến độ Thủ tướng Chính phủ đề ra để đồng bộ mạng lưới đường sắt đô thị.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Luật Đường sắt năm 2017, “đường sắt tốc độ cao là một loại hình của đường sắt quốc gia có tốc độ thiết kế từ 200 km/h trở lên, có khổ đường 1.435 mm, đường đôi, điện khí hóa”. Quy định này hiện còn nhiều cách hiểu khác nhau. Có ý kiến cho rằng, các tuyến đường sắt có tốc độ thiết kế từ 200 km/h trở lên được xem là đường sắt quốc gia, do đó thuộc thẩm quyền đầu tư của Bộ Xây dựng.
Nhằm tránh vướng mắc trong quá trình triển khai dự án đường sắt đô thị có tốc độ thiết kế cao, TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, đề xuất điều chỉnh Luật Đường sắt theo hướng không phân loại đường sắt dựa trên yếu tố tốc độ. Thay vào đó, tốc độ thiết kế nên được sử dụng làm cơ sở để xác định cấp kỹ thuật của tuyến đường sắt, phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng.