Khơi dậy sự phát triển của khu vực tư nhân

(BĐT) - Chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường (KTTT) luôn gắn liền với phát triển khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) thay vì chỉ tập trung vào khu vực kinh tế nhà nước. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật phổ quát này và thực tế khu vực KTTN đã đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam kể từ khởi đầu công cuộc Đổi mới đến nay. 
Kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước không phải là đối thủ cạnh tranh "một mất một còn", mà là các bộ phận bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Ảnh: Lê Tiên
Kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước không phải là đối thủ cạnh tranh "một mất một còn", mà là các bộ phận bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, khu vực KTTN nước ta vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và vai trò vốn có do bị hạn chế bởi hàng loạt rào cản chủ quan lẫn khách quan mà trước hết là rào cản về tư duy, về quan điểm quản lý phát triển, về khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách có liên quan và về nguồn lực cho khu vực kinh tế đặc biệt quan trọng này. Chính vì vậy, vấn đề then chốt là tiếp tục đổi mới tư duy, quan điểm quản lý phát triển đồng thời cải cách pháp luật, cơ chế chính sách và phân bổ sử dụng các nguồn lực của xã hội nhằm đảm bảo khu vực KTTN được hoạt động trong môi trường bình đẳng, phát huy tốt nhất tính năng động, sáng tạo, vận động theo đúng các quy luật của thị trường. 

Phát triển kinh tế tư nhân là tất yếu khách quan

Phát triển KTTN là tất yếu khách quan trong nền KTTT. Trong nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta, phát triển khu vực KTTN cũng là yếu tố có tính quy luật. Bên cạnh việc khẳng định vai trò của khu vực KTTN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn phát triển mới, vấn đề quan trọng hơn là xác lập vai trò đó một cách đúng đắn, hợp lý, đồng thời có giải pháp để KTTN phát huy cao độ những ưu điểm, hạn chế, khắc phục những nhược điểm, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhiều người cho rằng, một nền KTTT hoạt động tốt phải có năm đặc điểm sau: (1) Phân phối các nguồn lực một cách có hiệu quả nhất; (2) Tạo ra những nguồn lực mới thông qua việc đổi mới sản phẩm và đổi mới quá trình xử lý; (3) Thích nghi nhanh chóng và có hiệu quả với những hoàn cảnh luôn biến đổi; (4) Duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và tránh được những trục trặc như tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lạm phát cao; (5) Tạo ra hiệu quả xã hội mong muốn, tránh phân hoá giàu nghèo quá mức.

Nếu 2 đặc điểm cuối quy định vai trò của Nhà nước và kinh tế nhà nước thì vai trò của KTTN thể hiện rõ nhất trong 3 đặc điểm đầu tiên, vì chính KTTN là bộ phận tiêu biểu nhất của nền KTTT và phù hợp nhất với các quy luật KTTT. Trong quá trình vận động theo các quy luật KTTT, khu vực KTTN không tránh khỏi những hạn chế như cạnh tranh không lành mạnh, sản xuất dư thừa quá mức, vi phạm pháp luật và kỷ luật thị trường, tạo ra nguy cơ khủng hoảng kinh tế - tài chính, phá hoại môi trường, bất công bằng xã hội,...

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp (DN) nhà nước theo hướng: DN nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư” và “hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh KTTN ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”, đồng thời “nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, chú trọng chuyển giao công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến và thị trường tiêu thụ sản phẩm”.

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tháng 5/2017 đã thông qua Nghị quyết quan trọng về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền KTTT định hướng XHCN, đặc biệt đặt mục tiêu (Nghị quyết 10) đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu DN, đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu DN và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu DN và tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTN vào GDP đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%.

Đặc điểm nổi bật của KTTN nước ta là tuyệt đại đa số còn nhỏ và yếu, năng suất và năng lực cạnh tranh còn thấp và thời gian hoạt động còn ngắn trong bối cảnh môi trường sản xuất kinh doanh chưa ổn định, còn chứa đựng nhiều rủi ro bất khả kháng. Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) ban hành ngày 12/6/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 được đánh giá là bước đột phá trong tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN ngoài Nhà nước, đặc biệt là các DNNVV. Hiện DNNVV đang chiếm tới trên 95% trong tổng số hơn 600.000 DN của cả nước và đóng góp khoảng 10% GDP, đồng thời tạo việc làm cho khoảng 7 triệu lao động. Mặc dù khu vực KTTN nói chung, khu vực DNNVV nói riêng được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế song tuyệt đại đa số DNNVV đều đang đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức. Những khó khăn bao gồm từ khả năng tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh như đất đai, mặt bằng kinh doanh, vốn tín dụng, lao động có trình độ cao... đến rào cản về thủ tục hành chính, hạn chế về cơ hội kinh doanh, tiếp cận thị trường, tiếp cận thông tin, quản trị DN... Trong đó, khó khăn về vốn sản xuất kinh doanh dường như là căn bệnh chung của các DNNVV ở nước ta.

Đến nay đã và đang xuất hiện một số DN tư nhân lớn tầm cỡ quốc gia, thậm chí khu vực và quốc tế, song số lượng còn rất ít và hoạt động trong những lĩnh vực đặc thù như bất động sản, cà phê, thủy sản... Nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển như thế nào, năng lực cạnh tranh của nước ta sẽ được cải thiện và nâng cao đến đâu, bao giờ chúng ta bắt kịp nhịp độ phát triển của các nước tiên tiến trên thế giới phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó sự phát triển của khu vực KTTN là một trong những yếu tố quan trọng. 

5 vấn đề về giữ vững và phát huy cao độ vai trò của kinh tế tư nhân

Nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển như thế nào, năng lực cạnh tranh của nước ta sẽ được cải thiện và nâng cao đến đâu, bao giờ chúng ta bắt kịp nhịp độ phát triển của các nước tiên tiến trên thế giới phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó sự phát triển của khu vực KTTN là một trong những yếu tố quan trọng.
Để tiếp tục giữ vững và phát huy cao độ vai trò của KTTN ở nước ta, cần có những chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các mặt, từ chủ trương quan điểm, kinh tế - tài chính, lao động - xã hội đến tâm lý - tuyên truyền… Trong đó, theo chúng tôi, cần hết sức lưu ý những điểm căn bản sau đây.

Thứ nhất là tiếp tục triển khai thực hiện nhất quán quan điểm chủ trương phát huy cao độ vai trò của khu vực KTTN trong nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta, biến những quan điểm chủ trương đó thành những cơ chế chính sách cụ thể đồng bộ và nhất quán. KTTN và kinh tế nhà nước không phải là hai mặt đối lập, không phải là đối thủ cạnh tranh "một mất một còn" mà là các bộ phận bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. KTTN phát triển cũng có nghĩa là kinh tế Việt Nam phát triển.

Thứ hai, điều kiện tiên quyết là Nhà nước tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa kinh tế nhà nước với KTTN. KTTN hoạt động theo đúng tinh thần Luật DN. Phải xoá bỏ các rào cản đối với KTTN.

Thứ ba, Luật DN đã tạo ra khuôn khổ pháp lý tương đối thuận lợi để mọi người có thể gia nhập thị trường, song còn thiếu những cơ sở pháp lý đồng bộ nhằm điều chỉnh hoạt động trên thị trường. Cần xây dựng cơ sở pháp lý cho việc hình thành, thực hiện, theo dõi, thanh lý, giải quyết tranh chấp các hợp đồng kinh tế và xử lý các vấn đề kinh tế - tài chính khi DN phá sản hay giải thể theo quy luật thị trường.

Thứ tư là đa dạng hoá các nguồn lực đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với phát triển khu vực KTTN. Các nguồn lực rất đa dạng và phong phú nên một trong những bí quyết tồn tại và phát triển của DN thuộc khu vực KTTN chính là lựa chọn và triển khai thực hiện chiến lược và các biện pháp cụ thể khai thác các nguồn lực một cách hợp lý, phù hợp với đặc điểm của DN.

Thứ năm là ngoài một số ưu đãi tạm thời, theo chúng tôi, về cơ bản, dài hạn, không nên áp dụng các chính sách ưu đãi, mà là tạo điều kiện, môi trường ổn định, thuận lợi lâu dài cho KTTN phát triển./.