Khơi dòng FDI chất lượng cao

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo các chuyên gia quốc tế, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, và nhiều cơ hội mới sẽ mở ra do “chất xúc tác” Covid-19.
Việc thu hút FDI phải hướng tới mục tiêu giúp doanh nghiệp trong nước có thể đảm nhiệm các công đoạn có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao hơn. Ảnh: Lê Tiên
Việc thu hút FDI phải hướng tới mục tiêu giúp doanh nghiệp trong nước có thể đảm nhiệm các công đoạn có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao hơn. Ảnh: Lê Tiên

Nhưng trong giai đoạn tới, không chỉ thu hút mà phải tranh thủ được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để khuyến khích khu vực tư nhân trong nước nâng cao năng lực, tối đa hóa tác động đối với nền kinh tế thông qua chuyển giao công nghệ...

Tác động từ đại dịch Covid-19 đem đến cả thách thức và cơ hội trong thu hút dòng vốn FDI.

Theo bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, do tác động của Covid-19, năm 2020, các dòng tài chính tư nhân bên ngoài vào các nền kinh tế đang phát triển có thể giảm đi 700 tỷ USD so với năm 2019, vượt quá tác động tức thì của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 tới 60%. Trong đó, các dòng FDI vào thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển sẽ giảm đi 21,4% trong năm 2020.

Còn theo số liệu của UNCTAD, FDI trên toàn thế giới năm 2020 ước tính giảm 30 - 40%. Trong Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam phát hành đầu tháng 9 này, WB lưu ý, trong tương lai, cần quan tâm nhiều hơn đến việc các nhà đầu tư có thể trì hoãn kế hoạch đầu tư trong một môi trường nhiều bất ổn như hiện nay.

Tuy nhiên, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội mới ngay từ những thách thức này. Theo ông Jacques Morries, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng có thể đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch của các công ty đa quốc gia từ Trung Quốc sang Việt Nam. Xu hướng này đã xuất hiện từ trước vì chi phí lao động tại Trung Quốc tăng cao và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, nhưng sẽ được đẩy nhanh hơn do Covid-19. Chuyên gia của WB nhận định, thành công lớn của Việt Nam trong việc kiểm soát Covid-19 là công cụ quảng bá tốt nhất. Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do mở ra cơ hội mới cho Việt Nam, trong khi tại những nơi khác trên thế giới các rào cản đang tăng lên.

Ông Jonathan Pincus, Cố vấn quốc tế cao cấp của UNDP khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia, là phương án thay thế hàng đầu khi chuyển dịch đầu tư ra khỏi Trung Quốc. Dân số đông với thu nhập tăng lên ở Việt Nam cũng là một lợi thế thu hút những nhà đầu tư FDI tìm kiếm, khai thác thị trường...

Tuy nhiên, ông Jonathan Pincus cho rằng giá trị thu hút được của FDI sẽ không quan trọng bằng quan hệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, cần thu hút được FDI vào những công đoạn có giá trị gia tăng cao hơn. Thách thức mà các nền kinh tế dư thừa lao động phải đối mặt là tận dụng FDI để bước vào các phân khúc công nghệ và thâm dụng vốn của chuỗi giá trị trước khi mức lương trong nước tăng và quốc gia mất khả năng cạnh tranh đối với những việc làm thâm dụng lao động.

Ông Jacques Morries nhấn mạnh đến vai trò của Chính phủ. Thay đổi về động cơ khuyến khích như công cụ ưu đãi về thuế để chuyển FDI sang những lĩnh vực phù hợp, tăng cường công nghệ thay vì thâm dụng lao động, thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI. Động cơ khuyến khích đi kèm theo yêu cầu, chỉ tiêu thực hiện.

Ở góc độ khác, ông Jonathan Pincus nhấn mạnh phải tăng cường năng lực cho doanh nghiệp trong nước để đảm nhiệm nhiều hơn các công đoạn có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao hơn. Để làm được điều này, Chính phủ phải tư duy sáng tạo về các công cụ có thể sử dụng nhằm thúc đẩy đầu tư trong nước và nâng cao vị thế trong phạm vi của các hiệp định đã ký.

Thúc đẩy doanh nghiệp trong nước đổi mới sáng tạo là rất quan trọng. Bà Victoria Kwakwa cho rằng, việc hỗ trợ doanh nghiệp đang diễn ra thiên về đổi mới sáng tạo dựa trên nghiên cứu và phát triển (R&D). Tuy nhiên, ở giai đoạn này, phần lớn kết quả tăng năng suất ở Việt Nam có lẽ là nhờ nâng cấp trình độ quản lý, sản xuất và ứng dụng các công nghệ hiện có. Vì vậy, việc tái cân bằng các nguồn lực và công cụ chính sách để hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng và phổ biến công nghệ sẵn có nên là một trụ cột ưu tiên chính trong chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cảnh báo rằng, ngay cả khi 20% cơ sở sản xuất tại Trung Quốc di dời sang nước khác, Trung Quốc vẫn sẽ là nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Điều này cho thấy, tuy hưởng lợi nhờ sự dịch chuyển dòng đầu tư, song Việt Nam sẽ chịu sức ép và cạnh tranh đặc biệt lớn từ các công ty Trung Quốc, bao gồm không chỉ thị trường xuất khẩu, mà cả thị trường nội địa.

Tin cùng chuyên mục