Khơi động lực đưa Khánh Hòa vươn tầm khu vực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 1/8/2022, Nghị quyết số 55/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa chính thức có hiệu lực. Sau hơn 2 năm triển khai, những kết quả bước đầu đạt được góp phần đưa Khánh Hòa đến gần hơn với mục tiêu trở thành cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển.
Cơ chế đặc thù cho phép Khánh Hòa điều chỉnh cục bộ Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040. Ảnh: Giang Sơn Đông
Cơ chế đặc thù cho phép Khánh Hòa điều chỉnh cục bộ Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040. Ảnh: Giang Sơn Đông

Nhiều công trình, dự án hưởng lợi

Theo Nghị quyết số 55, Khánh Hòa được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù đối với 6 lĩnh vực, gồm: Quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý quy hoạch; quản lý đất đai; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu kinh tế (KKT) Vân Phong và phát triển kinh tế biển.

Nhiều nội dung trong 6 lĩnh vực trên đã phát huy hiệu quả. Năm 2023, Khánh Hòa được hỗ trợ 70% số tăng thu ngân sách trung ương với số tiền 133 tỷ đồng; phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số theo các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước. Nhờ có cơ chế đặc thù, huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh được hỗ trợ 186,6 tỷ đồng xây mới, sửa chữa nhà cửa và đầu tư hạ tầng.

Trong công tác quản lý quy hoạch, cơ chế đặc thù cho phép Khánh Hòa điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh cục bộ Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040.

Đặc biệt, đối với lĩnh vực quản lý đất đai, HĐND tỉnh Khánh Hòa được Thủ tướng ủy quyền thí điểm về trình tự thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với quy mô dưới 500 ha để đầu tư Dự án Cụm công nghiệp Diên Thọ (giai đoạn 2). Đối với nội dung thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Khánh Hòa cho biết, đến thời điểm này chưa phát sinh hồ sơ đề nghị. Đối với thu hồi đất tại KKT Vân Phong và huyện Cam Lâm, các ngành chức năng đang thực hiện thủ tục trình, thẩm định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập nhiệm vụ dự toán điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất tại KKT Vân Phong đối với Dự án Khu đô thị cao cấp Tu Bông và Dự án Khu đô thị mới cao cấp Đầm Môn.

Cơ chế, chính sách đặc thù cũng cho phép Khánh Hòa được tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công tại các dự án như: Đường giao thông liên vùng huyện Diên Khánh (tổng mức đầu tư 1.496,4 tỷ đồng); Nâng cấp và làm mới đường Tỉnh lộ 6 - ĐT.651G (đoạn 2, tổng mức đầu tư 875,7 tỷ đồng); Tuyến ven biển từ xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh đi thị xã Ninh Hòa (2.031 tỷ đồng).

Về thu hút nhà đầu tư chiến lược, Khánh Hòa đã ký kết 11 bản ghi nhớ với các nhà đầu tư lớn về việc nghiên cứu đầu tư các dự án trên địa bàn KKT Vân Phong và các khu công nghiệp, trong đó có 2 dự án về cảng biển và 1 dự án về cảng hàng không. Hiện nay, Ban Quản lý KKT Vân Phong đã tổ chức lập quy hoạch 19 phân khu của KKT Vân Phong, đồng thời tiếp nhận 16 hồ sơ lĩnh vực môi trường thực hiện thẩm định, cấp giấy phép theo các cơ chế, chính sách đặc thù.

Theo Sở KH&ĐT Khánh Hòa, Nghị quyết số 55 cho phép Khánh Hòa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Tỉnh thực hiện trong năm 2023 với khối lượng 500 tỷ đồng, nhưng qua 2 lần đấu thầu không chọn được nhà đầu tư. Năm 2024, Tỉnh dự kiến phát hành khối lượng trái phiếu trị giá 855,6 tỷ đồng, nhưng sau khi rà soát, các dự án trong danh mục dự kiến sử dụng nguồn trái phiếu có thể thu xếp được vốn từ nguồn khai thác quỹ đất và ngân sách trung ương nên Khánh Hòa tạm dừng kế hoạch phát hành trái phiếu.

Đề xuất thêm chính sách

Năm 2024 là năm thứ 3 thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cho hay, sẽ đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược để tận dụng tối đa cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 55.

Để khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Khánh Hòa đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP, trong đó “ngân sách nhà nước tham gia hỗ trợ không quá 70% tổng mức đầu tư của Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt”, tương tự cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 về thí điểm một số chính sách đặc thù đầu tư xây dựng công trình đường bộ. Dự án này có tổng chiều dài 80,8 km, do Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải là nhà đầu tư đề xuất với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.058 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2024 đến năm 2028.

Về tài chính - ngân sách, Khánh Hòa đề xuất Quốc hội xem xét điều chỉnh khoản 2 Điều 59 Luật Ngân sách nhà nước bởi theo quy định này, nguồn tăng thu và nguồn tiết kiệm chi chỉ được bố trí chi an sinh xã hội, chi đầu tư, bổ sung nguồn cải cách tiền lương..., không được bố trí nhiệm vụ chi thường xuyên. Việc giới hạn nhiệm vụ chi như vậy gây khó khăn cho địa phương trong việc điều hành, cân đối nguồn lực để thực hiện một số nhiệm vụ an ninh - quốc phòng, kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chia sẻ, việc thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 55 không chỉ có ý nghĩa cho riêng tỉnh Khánh Hòa, mà trên cơ sở thí điểm, Tỉnh sẽ tổ chức sơ kết, tổng kết, tìm ra những kinh nghiệm tốt để báo cáo Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu mở rộng phạm vi áp dụng cho các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng thời, những kinh nghiệm quý báu rút ra từ thực tiễn tổ chức thực hiện nghị quyết này sẽ góp phần tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn và cách thức hành động, hướng tới mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 theo đúng quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Nghị quyết số 55 chỉ có thời hạn 5 năm. Do đó, nếu không hành động nhanh thì sẽ không kịp thực hiện các mục tiêu đã đề ra, bỏ lỡ cơ hội từ các chính sách, cơ chế đặc thù mà Trung ương dành cho Khánh Hòa. Để thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Trung ương, Tỉnh sẽ quyết tâm đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, lề lối làm việc, cách thức điều hành của chính quyền các cấp để triển khai nhanh chóng và thực sự có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa”, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục