Khơi thông pháp lý, giá trị trúng thầu thuốc tăng trở lại

(BĐT) - Hàng loạt quy định mới được ban hành ngay từ đầu năm đã giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho công tác đấu thầu thuốc. Giá trị trúng thầu dược phẩm tại các bệnh viện và các sở y tế tăng mạnh trở lại sau khi giảm sâu trong năm 2022. Một số quy định cũng được kỳ vọng tạo điều kiện cho thuốc sản xuất trong nước gia tăng thị phần.
Kết quả đấu thầu thuốc tại các bệnh viện, sở y tế từ ngày 1/1/2023 đến ngày 28/9/2023

Kết quả đấu thầu thuốc tại các bệnh viện, sở y tế từ ngày 1/1/2023 đến ngày 28/9/2023

Giá trị trúng thầu thuốc 9 tháng tăng 15,8%

Số liệu của Cục Quản lý dược - Bộ Y tế tổng hợp kết quả trúng thầu thuốc theo báo cáo của các bệnh viện và các sở y tế lũy kế từ ngày 1/1 đến ngày 28/9/2023 cho biết, đã có tổng cộng 52.674 lượt mặt hàng thuốc trúng thầu với tổng giá trị 34.706 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2022 (lũy kế từ ngày 16/12/2021 đến ngày 7/10/2022) và tương đương 82,4% giá trị trúng thầu thuốc năm 2022 (lũy kế từ ngày 16/12/2021 đến ngày 31/12/2022). Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của những chính sách tháo gỡ khó khăn, bất cập cho công tác đấu thầu thuốc được ban hành ngay từ đầu năm 2023.

Năm 2022, thống kê của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, tổng giá trị trúng thầu thuốc qua kênh ETC (thuốc kê đơn, phân phối thông qua đấu thầu tại sở y tế và các bệnh viện) giảm 11% so với năm 2021 về mức 42 nghìn tỷ đồng, gây thiếu thuốc trong thời gian dài trên kênh ETC.

Trước tình trạng này, đầu năm 2023, các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành hàng loạt văn bản pháp lý mới giúp khơi thông những khó khăn, vướng mắc cho công tác đấu thầu như Nghị quyết 80/2023/QH15 cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc hết hiệu lực; Nghị định 07/2023/ND-CP giúp giải quyết các hạn chế, bất cập trong quản lý trang thiết bị y tế (TTBYT); Nghị quyết số 30/NQ-CP giúp giải quyết vướng mắc liên quan đến mua sắm vật tư, TTBYT nhập khẩu, thanh quyết toán bảo hiểm y tế hoặc những điều kiện để thực hiện đấu thầu theo quy định pháp luật; Thông tư 06/2023/TT-BYT giúp tháo gỡ những bất cập về giá thuốc trúng thầu… Đặc biệt, từ ngày 1/1/2024, một số văn bản luật sẽ có hiệu lực thi hành, tiếp tục giúp hoạt động đấu thầu thuốc thuận lợi hơn. Cụ thể, Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 tạo điều kiện cho các bệnh viện công tự chủ về nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất thay vì phải phụ thuộc vào ngân sách nhà nước; Luật Đấu thầu 2023 giúp tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở y tế công lập trong việc quyết định mua sắm thuốc, TTBYT, tạo thuận lợi cho hoạt động mua thuốc, TTBYT có tính đặc thù, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất thuốc chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn cao.

Kỳ vọng thuốc nội gia tăng thị phần

Cũng theo số liệu của Cục Quản lý dược, trong 34.706 tỷ đồng giá trị trúng thầu thuốc lũy kế từ ngày 1/1 đến ngày 28/9/2023, giá trị trúng thầu thuốc sản xuất trong nước đạt 9.094 tỷ đồng, chiếm 26,2%. Dù thị phần tăng 1,2 điểm % so với nửa đầu năm, nhưng vẫn còn cách khá xa định hướng mục tiêu thuốc sản xuất trong nước đạt thị phần 75% về số lượng và 60% về giá trị vào năm 2025, theo Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Xét theo từng nhóm thuốc, các sản phẩm thuốc nội địa có giá trị trúng thầu lớn nhất tại nhóm 4 với 5.617,8 tỷ đồng, chiếm tới 99,97% tổng giá trị trúng thầu thuốc tại nhóm này. Tại nhóm 3 và nhóm 2, tỷ lệ trúng thầu của thuốc nội địa lần lượt đạt 78,28% và 52,37%. Tuy vậy, tại 2 nhóm thuốc có giá trị lớn nhất là nhóm 1 và nhóm biệt dược gốc (chiếm lần lượt 30,6% và 31,6% giá trị đấu thầu thuốc 9 tháng năm 2023), giá trị trúng thầu của thuốc sản xuất trong nước chỉ đạt lần lượt 193,4 tỷ đồng (chiếm 1,82% giá trị các gói thầu thuốc nhóm 1) và 106 triệu đồng (chiếm 0,001% giá trị trúng thầu nhóm biệt dược gốc).

Nếu như nhóm biệt dược gốc là nhóm mà các doanh nghiệp dược phẩm nội địa khó cạnh tranh trong ngắn hạn do đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian và chi phí cho hoạt động nghiên cứu, phát triển, thì với các sản phẩm thuốc nhóm 1 và nhóm 2, doanh nghiệp dược nội địa được đánh giá là có nhiều dư địa tăng trưởng.

Cụ thể, phân khúc thuốc nhóm 1 đòi hỏi phải sản xuất toàn bộ trên dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương tại các nước thuộc danh sách SRA (cơ quan quản lý dược nghiêm ngặt) và được nước thuộc danh sách SRA cấp phép lưu hành.

Việc đầu tư dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương cũng giúp doanh nghiệp dược nội địa đủ khả năng tham gia đấu thầu trong phân khúc thuốc thuộc nhóm 2.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp dược phẩm nội địa đang và sẽ có lợi thế cạnh tranh từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Chẳng hạn, Thông tư 03/2019/TT-BYT của Bộ Y tế đã ban hành một danh mục thuốc mà nhà thầu không được chào thuốc nhập khẩu mà chỉ được chào thuốc sản xuất trong nước. Theo khoản 1 Điều 56 Luật Đấu thầu 2023 (có hiệu lực từ 1/1/2024), nếu một sản phẩm trong danh mục được Bộ Y tế công bố có ít nhất ba hãng trong nước sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương, đáp ứng tiêu chí về kỹ thuật, chất lượng, giá và khả năng cung cấp thì nhà thầu chỉ chào thầu thuốc xuất xứ trong nước.

Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu và chi phí duy trì để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của tiêu chuẩn sản xuất dược phẩm là rất cao. Thời gian đầu tư nhà xưởng, lắp đặt máy móc thiết bị đến khi hoàn thiện các thủ tục để được phê duyệt tiêu chuẩn EU-GMP có thể kéo dài nhiều năm. Tham gia xây dựng nhà máy đạt chuẩn như EU-GMP là sự đầu tư lớn cả về nguồn lực tài chính lẫn thời gian, đòi hỏi doanh nghiệp phải mạnh về tài chính, kinh nghiệm, có nguồn nhân lực chất lượng cao và tầm nhìn dài hạn.

Thực tế, những năm gần đây, cuộc chạy đua xây dựng các cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP đang ngày càng sôi động với nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư như: Dược Hậu Giang, Imexpharm, Bidiphar, Traphaco, Dược phẩm Cửu Long… Đây là cơ sở để kỳ vọng các sản phẩm thuốc nội địa đủ khả năng tham gia đấu thầu tại các phân khúc thuộc nhóm đầu, thay thế thuốc nhập khẩu.

Tin cùng chuyên mục