Không chỉ phòng thủ chống dịch bệnh mà phải tiến công để phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Điều hành kinh tế vĩ mô không chỉ phòng thủ dịch bệnh mà phải tiến công để phát triển. Cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam ví như cỗ xe tam mã gồm: đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, phải dùng mọi biện pháp để “ba con ngựa” cùng kéo lấy đà cho đất nước đi nhanh.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc
Chính phủ với các địa phương.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương diễn ra ngày 2/7/2020.

Theo Thủ tướng, tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 1,81% là mức tăng trưởng cao nhất nhì thế giới, nhưng là mức tăng thấp, trong đó 12 địa phương tăng trưởng âm. Thủ tướng khẳng định, ổn định vĩ mô là tư tưởng nhất quán trong nhiệm kỳ này, nhất là trong thời điểm khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, nếu tăng trưởng không đạt được mức nhất định, nghèo đói gia tăng thì khó giữ được ổn định vĩ mô.

Thủ tướng cho rằng, dư địa tài khóa và tiền tệ vẫn còn. Vì thế, cần thống nhất chủ trương điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, tài khóa, vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, tìm ra chính sách cụ thể với mức độ, liều lượng phù hợp để điều hành kinh tế, kích thích tăng trưởng. Trong khó khăn chính sách tài khóa vô cùng quan trọng, hỗ trợ cho phát triển cùng chính sách tiền tệ.

Đồng thời trong điều kiện thị trường quốc tế thu hẹp, làm sao kích cầu nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu. Phải hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp, từ các tập đoàn lớn, đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã đều cần có môi trường tốt để phát triển.

“Cần tiếp tục rà soát thể chế, thái độ phục vụ nhân dân, cứ quyền anh quyền tôi gây khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân thì không bao giờ thành công. Vấn đề này nói nhiều rồi nhưng diễn biến không tốt”, Thủ tướng nêu rõ.

Bên cạnh đó, có giải pháp cụ thể phát triển các lĩnh vực kinh tế mới như kinh tế ban đêm, kinh tế số... tạo thêm động lực cho tăng trưởng; thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư xã hội.

Theo Thủ tướng, dòng vốn FDI sẽ sang Ấn Độ, Malaysia và các nước khác nếu Việt Nam không có giải pháp cải cách vượt trội, môi trường đầu tư kinh doanh không có khả năng cạnh tranh quốc tế. Các địa phương cũng phải kiến nghị giải pháp cụ thể hơn phát huy vai trò động lực của các địa phương đầu tàu, vùng kinh tế trọng điểm,...

Đề cập vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, mặc dù kết quả tăng nhưng còn thấp, 700 nghìn tỷ đồng tương đương 30 tỷ USD, nếu giải ngân tốt sẽ kích thích tăng trưởng ngắn hạn, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiến nghị giải pháp cụ thể, chế tài cụ thể để giải ngân hết. Quốc hội đã thống nhất nếu địa phương ngành nào không giải ngân được thì Thủ tướng Chính phủ có quyền điều chuyển sang ngành khác, địa phương khác có điều kiện giải ngân tốt hơn. “Các đồng chí lãnh đạo địa phương phải rốt ráo. Đề nghị dự án thì rất quyết liệt nhưng khi giải phóng mặt bằn vướng thì lãnh đạo không quan tâm. VÌ sao có địa phương tốt, địa phương chậm, cần chế tài mạnh”, Thủ tướng nhấn mạnh.