Ảnh Internet |
Với mức giá thấp hơn 20%, BIDV kỳ vọng có thể tìm được chủ nợ mới, tuy nhiên thực tế cho thấy mong muốn này không hề dễ thực hiện.
Một dự án, 2 công ty gánh nợ
Thông báo của BIDV cho biết, tài sản được thế chấp của khoản vay 1.090 tỷ đồng nêu trên tại Ngân hàng bao gồm các lô đất có diện tích 174,5 m2 và 41.242 m2 cùng tài sản trên đất là 2 khối chung cư với 712 căn hộ. Sở dĩ trong cùng một dự án có đến 2 công ty gánh nợ Ngân hàng vì trước đó Dự án 584 Tân Kiên do Công ty 584 làm chủ đầu tư được triển khai nhằm mục đích xây nhà ở thương mại để bán. Tuy nhiên, tại thời điểm xây dựng, do thị trường bất động sản ế ẩm nên chủ đầu tư đã xin chuyển đổi mục đích xây dựng Dự án sang nhà ở xã hội, nhưng vì không có đủ 100% khách hàng đồng ý nên việc chuyển đổi bất thành. Sau đó, Dự án đã xin chuyển đổi công năng thành xây dựng bệnh viện, nhưng vẫn không thể triển khai, dẫn đến khoản nợ khó đòi hiện nay.
Trao đổi với Báo Đấu thầu về vấn đề đảm bảo quyền lợi của khách hàng khi Dự án mang bán đấu giá, ông Đỗ Biên Thùy - Tổng giám đốc Công ty 584 cho biết: “Chúng tôi đang đàm phán với BIDV ưu tiên giải quyết quyền lợi cho người mua trước. Trong Dự án có 114 nền đất người dân đã mua và chỉ còn nợ lại khoảng 6 tỷ đồng. Công ty 584 đề xuất BIDV thu hộ số nợ này và thực hiện việc tách sổ chuyển cho người dân”. Được biết, việc thương thảo để giải quyết quyền lợi cho khách hàng bao gồm khoản phải thu của khách hàng là 6 tỷ đồng và việc làm sổ đỏ cho người dân còn chưa thống nhất.
Ông Thùy cũng cho biết, tổng số tiền mà Công ty 584 với tư cách là chủ đầu tư nợ BIDV là 87 tỷ đồng (gồm 58 tỷ nợ gốc và 29 tỷ tiền lãi); số tiền còn lại là nợ của Công ty CP Đầu tư y tế Việt Nam.
Thực tế, cái khó của BIDV là bán “nợ” chứ không phải bán Dự án nên việc tìm chủ nợ mới xem ra không dễ. Theo Luật sư Trần Đức Phượng - Giám đốc Công ty Luật Hợp Việt thì việc bán nợ tại Dự án 584 Tân Kiên giống như bán “cục máu đông”. Bán nợ xấu sẽ khó hấp dẫn các nhà đầu tư bất động sản, chỉ có khả năng bán lại cho các công ty quản lý nợ. Trường hợp dự án bất động sản đó mới chỉ có đất hoặc đang san lấp mặt bằng thì việc bán nợ sẽ dễ dàng hơn vì người mua có thể chuyển đổi công năng của khu đất.
Như vậy, với số căn hộ đang xây dựng dở dang và chưa hoàn thiện thì phần “ngon” nhất của Dự án 584 Tân Kiên là đất nền đã được chủ đầu tư đã bán hết. đây là lý do khiến Dự án gần như không còn gì hấp dẫn.
Một tài sản bán cho nhiều người
Không riêng gì Dự án 584 Tân Kiên, hàng loạt dự án của Công ty 584 cũng rơi vào tình trạng bị siết nợ khi nguy cơ phá sản của doanh nghiệp này đã cận kề. Điển hình là trường hợp của Dự án Lilama SHB Trịnh Đình Trọng. Tại dự án này, Công ty 584 và Liên doanh Lilama - SHB đã phải giải quyết các tranh chấp tại tòa án khi nhiều vấn đề về tài chính không được hai bên thống nhất.
Trước đó, vào năm 2015, Dự án Lilama SHB Trịnh Đình Trọng sau một thời gian đình trệ đã được thi công trở lại do được ngân hàng “bơm” thêm vốn. Thế nhưng, mọi việc đã thay đổi khi khách hàng phát hiện một số căn hộ tại Dự án đã được bán 2 lần, làm phát sinh kiện tụng kéo dài. Điển hình, căn hộ A3 -7.08 được bán cho khách hàng Nguyễn Vân Hương theo hình thức chuyển nhượng từ khách hàng Nguyễn Lê Trung qua sàn Bất động sản Duy Phan, nhưng cũng là căn hộ mà bà Trương Thị Thắm đã mua theo hợp đồng góp vốn.
Thực tế, dù là chủ đầu tư nhưng việc mua bán các căn hộ đều được Công ty 584 ủy quyền cho Lilama SHB thực hiện. Đây cũng là lý do khiến khách hàng khó xác định được thực chất những món nợ còn gì trong đó. Điều này dẫn đến sự thất bại của các phiên đấu giá thu hồi nợ về sau.