Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 đạt từ 6 - 6,5%. Ảnh: Lê Tiên |
Chỉ tiêu kế hoạch phải thể hiện quyết tâm phấn đấu cao nhất
Báo cáo Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu mục tiêu phát triển năm 2022 là phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, cùng với tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển KTXH với các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn… 12 nhóm giải pháp lớn đã được Chính phủ nêu ra để thực hiện các mục tiêu của năm 2022.
Về chỉ tiêu tăng trưởng GDP, Chính phủ báo cáo Quốc hội phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 từ 6 - 6,5%.
Đánh giá báo cáo của Chính phủ đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, năm 2021, không chỉ Việt Nam, chưa bao giờ thế giới bị động, bất ngờ với dịch Covid-19 như vậy. Vì thế, sự lúng túng là có, Chính phủ đã kiểm điểm, nêu trong báo cáo và có giải pháp khắc phục. Kết quả của năm 2021 ở các mặt phát triển kinh tế, ổn định xã hội, chỉ đạo điều hành, ban hành các giải pháp chính sách, theo ông Nguyễn Khắc Định, là nỗ lực rất lớn.
Có ý kiến băn khoăn liệu mục tiêu tăng trưởng năm 2022 có cao hay không. Theo ông Nguyễn Khắc Định, việc đề ra mục tiêu này là cần thiết, phù hợp. Kế hoạch cần phải thể hiện được ý chí, quyết tâm để phấn đấu cao nhất, trong điều kiện thuận lợi thậm chí có thể phấn đấu cao hơn, điều kiện khó khăn bất ngờ thì cố gắng thực hiện đạt cao nhất. Đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành (tỉnh Đắk Lắk) cũng nhận định, dù bối cảnh rất khó khăn nhưng các chỉ tiêu Chính phủ đề xuất cho năm 2022 là khả thi.
Sớm giải quyết thách thức để phục hồi hiệu quả
Phục hồi kinh tế là không thể chậm trễ, nhưng để phục hồi, nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra những bài toán rất lớn cần giải quyết.
Theo ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, bên cạnh việc doanh nghiệp đang rất khó khăn, năm 2022 sẽ phát sinh nhiều thách thức mới. Năm 2022, khi Việt Nam đặt mục tiêu phục hồi kinh tế thì theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, kinh tế thế giới lại giảm, có thể khiến chúng ta gặp khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều nước trong khu vực cũng có chiến lược phục hồi kinh tế và triển khai sớm hơn Việt Nam, vì thế sự cạnh tranh sẽ gay gắt hơn.
Đánh giá báo cáo của Chính phủ với 12 nhóm giải pháp rất đầy đủ, ông Hiếu nhấn mạnh, cần ban hành chiến lược phục hồi kinh tế ngay trong năm 2021. Vì chương trình này vừa có ý nghĩa trực tiếp là phục hồi kinh tế, vừa thể hiện cam kết rất cao của Chính phủ để khơi dậy niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đây là việc rất khó, nhưng cần sớm ban hành, sau đó có thể điều chỉnh tùy theo tính thích ứng của hoạt động kinh tế.
Đại biểu Lê Minh Nam (tỉnh Hậu Giang) lưu ý việc bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, tính bền vững của thu ngân sách nhà nước. Những vấn đề như doanh nghiệp đang rất khó khăn; chuỗi cung ứng đứt gãy; chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao sẽ tác động đến xây dựng kế hoạch phát triển KTXH năm sau cũng như việc tạo nguồn thu bền vững. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, thực hiện và sử dụng chính sách cần có trọng tâm, trọng điểm, không thể kỳ vọng giải quyết hết mọi vấn đề khó khăn, thậm chí chấp nhận từ bỏ một số điểm, điều chỉnh một số chỉ tiêu.
Nhiều ý kiến nêu bật thách thức về thiếu hụt lao động khi mở cửa sản xuất, kinh doanh trở lại. Các đại biểu khuyến nghị cần có ngay chiến lược, kế hoạch để hỗ trợ đưa người lao động hồi hương vừa qua trở lại nhà máy. Đồng thời, phải tính đến các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập, bảo đảm nơi ăn chốn ở cho người lao động.
Đặc biệt, nhiều đại biểu nhấn mạnh đến vấn đề tổ chức thực thi các chính sách. Theo nhiều ý kiến, Quốc hội và Chính phủ thời gian vừa qua rất nỗ lực ban hành các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế được đánh giá cao, kịp thời. Nhiều chính sách được giao cho bộ, ngành ban hành giải pháp cụ thể, nhưng nếu không thực hiện kịp thời thì kết quả thực tế không có. “Hệ quả lớn hơn là niềm tin bị xói mòn. Kỷ luật hành chính không còn nghiêm, nỗ lực của Quốc hội và Chính phủ làm ngày, làm đêm không có kết quả cao”, đại biểu Phan Đức Hiếu nói.