Không để lỡ thời cơ, giữ đà giữ nhịp tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong tháng đầu tiên của năm 2025, tình hình kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, tạo đà cho tăng trưởng cả năm. Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức, nhất là trước yêu cầu tăng trưởng cao trong năm 2025 và ứng phó với biến động bên ngoài. Khối lượng công việc trong quý I và cả năm là rất lớn nên các cấp, ngành, địa phương cần nỗ lực, quyết tâm cao nhất, chủ động, sáng tạo để triển khai hiệu quả công việc ngay từ đầu năm.
Thúc đẩy mạnh mẽ những động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến để tạo đột phá cho nền kinh tế. Ảnh: Anh Tuấn
Thúc đẩy mạnh mẽ những động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến để tạo đột phá cho nền kinh tế. Ảnh: Anh Tuấn

Theo Bộ KH&ĐT, trong tháng 1/2025, một số chỉ tiêu quan trọng về sản xuất kinh doanh, công nghiệp, thu hút FDI, ngân sách nhà nước… tiếp tục tăng trưởng tích cực, tốt hơn cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 3,63% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 63,07 tỷ USD, xuất siêu 1,23 tỷ USD…

Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Ngân hàng UOB, Standard Chartered, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần lượt dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 là 7%, 6,7% và 6,6%, đều ở mức rất cao so với bình quân thế giới (khoảng 3,3%).

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, các động lực tăng trưởng chưa có sự bứt phá rõ nét theo yêu cầu tăng trưởng đặt ra, cần quyết liệt hơn nữa để thúc đẩy. Sức mua trong nước tháng 1 và tiêu dùng dịp Tết mặc dù đã cải thiện nhưng còn chậm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng thấp hơn cùng kỳ tháng Tết các năm 2018, 2019, trước khi có đại dịch Covid-19. Xuất khẩu dự báo có thể khó khăn hơn do nhu cầu thế giới phục hồi chậm; Mỹ và các thị trường xuất khẩu lớn của nước ta gia tăng hàng rào thuế quan, bảo hộ thương mại mới, với các chính sách khó đoán định. Sức ép cạnh tranh gia tăng ở cả thị trường xuất khẩu và trong nước. Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu; áp lực đáo hạn trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản năm 2025 lớn; còn nhiều dự án bị đình trệ, chậm tiến độ, các khó khăn, vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ triệt để. Ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, sức ép điều hành về tỷ giá, lãi suất, lạm phát còn lớn, nhất là trước những tác động bất lợi từ bên ngoài, cần theo dõi sát để có giải pháp điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả…

Theo đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức, Bộ KH&ĐT cho rằng, cần theo sát, nắm chắc tình hình, kịp thời nhận diện, khai thác hiệu quả cơ hội trong những bước điều chỉnh, thay đổi của cục diện thế giới, đồng thời chủ động kiến tạo cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ các động lực đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu và các động lực tăng trưởng mới.

Trong số các giải pháp được đưa ra, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh tập trung ưu tiên nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, xác định thể chế là “đột phá của đột phá” cho phát triển. Trong đó, khẩn trương rà soát, tiếp tục đề xuất sửa đổi và bảo đảm tiến độ sửa đổi các luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Đầu tư, Đấu thầu, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh… Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các giải pháp, chính sách để thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất kinh doanh, các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Đồng thời, cần thúc đẩy mạnh mẽ những động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến; đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy hiệu quả hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng.

Cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp, chính sách thúc đẩy sản xuất kinh doanh, các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu để đạt mục tiêu tăng trưởng. Ảnh: Lê Tiên
Cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp, chính sách thúc đẩy sản xuất kinh doanh, các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu để đạt mục tiêu tăng trưởng. Ảnh: Lê Tiên

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025 diễn ra ngày 5/2/2025, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, với mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025, các bộ, ngành, địa phương phải có các chỉ tiêu tăng trưởng mới, trình các cấp có thẩm quyền thông qua để thực hiện. Thủ tướng đề nghị dự báo, phân tích thật sát tình hình tháng 2 và thời gian tới, nhất là những vấn đề mới, như khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới, đề xuất giải pháp để phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, không bị động, bất ngờ, không để lỡ thời cơ và giữ đà, giữ nhịp đang có để tiếp tục phát triển.

Thủ tướng gợi ý một số giải pháp như tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhất là các thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ; giảm chi thường xuyên, đưa tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 60% tổng chi ngân sách để tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là các dự án lớn, quan trọng quốc gia, tạo nền tảng tăng trưởng bền vững; kích thích tiêu dùng… Nhấn mạnh cần tiếp tục quyết liệt tháo gỡ nút thắt về thể chế, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành hàng tháng báo cáo về những vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực phụ trách, nêu rõ vướng mắc là gì, ở đâu, ai giải quyết… để Chính phủ đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tại một số diễn đàn kinh tế gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, dư địa cho tăng trưởng trên 8% trong năm 2025 dù rất thách thức, nhưng có thể khả thi. Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho rằng, Chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump với nhiều chính sách thay đổi, căng thẳng thương mại với Trung Quốc có thể tạo ra nhiều thách thức, nhưng cũng tạo một số cơ hội lớn cho Việt Nam nếu có đối sách phù hợp. Việt Nam có thể thực hiện các giải pháp để minh bạch xuất xứ hàng hóa, giảm thâm hụt thương mại, nhập khẩu một số hàng hóa của Mỹ như máy bay, khí hóa lỏng, nông sản…; đồng thời đa dạng thị trường thông qua một loạt FTA chưa khai thác hết…

Những động lực nội tại có thể tạo bứt phá ngay là giải phóng các điểm nghẽn trong lĩnh vực bất động sản, đầu tư tư nhân và tiêu dùng nội địa. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, lĩnh vực bất động sản đóng góp 9 - 10% GDP, tác động nhiều ngành kinh tế liên quan, có tác động to lớn đến toàn bộ nền kinh tế. Các luật có ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản 2025 là Đất đai, Bất động sản, Nhà ở... Tuy nhiên, cần tăng hiệu quả, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong triển khai thực thi chính sách; nâng cao chất lượng văn bản dưới luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Bên cạnh 3 luật nêu trên, theo ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Nghị quyết cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội cũng sẽ tạo nhiều cơ hội cho thị trường bất động sản bứt phá, tạo động lực cho tăng trưởng 2025…