Không để thao túng giá đất đấu giá tại Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nối tiếp những phiên đấu giá đất kéo dài thâu đêm suốt sáng tại Hà Nội thời gian gần đây, phiên đấu giá đất ở quận Hà Đông ghi nhận mức trúng đấu giá cao nhất là 262 triệu đồng/m2, cao hơn so với mặt bằng các phiên đấu giá một số khu vực khác trước đó. Một số chuyên gia cho rằng, giá đất trúng đấu giá có dấu hiệu bất thường ở một số lô, nguy cơ tái diễn tình trạng trả giá cao rồi bỏ cọc, cần tăng cường biện pháp để hạn chế tình trạng trên.
Nhiều phiên đấu giá đất tại Hà Nội có sự chênh lệch lớn giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm. Ảnh: Nhã Chi
Nhiều phiên đấu giá đất tại Hà Nội có sự chênh lệch lớn giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm. Ảnh: Nhã Chi

Ngày 19/10, phiên đấu giá 27 lô đất thuộc 3 phường Phú Lương, Yên Nghĩa và Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội) kết thúc với giá trúng cao nhất 262 triệu đồng/m2 (gấp 8 lần giá khởi điểm) thuộc về lô đất 57,5 m2 tại khu Đống Đanh - Đồng Cộc, phường Phú Lương.

Bên cạnh đó, 17 lô đất tại khu Hạ Khâu, phường Phú Lương có giá trúng từ 146 triệu đồng đến 166 triệu đồng/m2, gấp 5,5 - 6,3 lần giá khởi điểm. 2 lô đất thuộc khu Sau Chùa (X8), phường Yên Nghĩa có giá trúng 160 triệu đồng/m2, gấp 5,3 lần giá khởi điểm. 6 lô đất tại khu Dược (X7), phường Dương Nội có giá trúng dao động từ 132,8 triệu đồng đến 182,8 triệu đồng/m2, gấp 5,8 - 8 lần giá khởi điểm.

Trước đó, tháng 8/2024, tại phiên đấu giá 68 lô đất ở thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, một lô đất được ghi nhận giá trúng đấu giá 100 triệu đồng/m2, gấp 8 lần giá khởi điểm.

Sau đó, tại phiên đấu giá 19 lô đất tại thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, lô đất được trả giá cao nhất lên đến 133,3 triệu đồng/m2, gấp hơn 18 lần giá khởi điểm.

Trước phản ánh của báo chí về một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, ngày 21/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện yêu cầu các cơ quan liên quan chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất. Ngay sau chỉ đạo này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lập đoàn kiểm tra việc thực hiện, tổ chức đấu giá đất tại huyện Hoài Đức và huyện Thanh Oai. Qua kiểm tra, Bộ này cho biết, tại Thanh Oai có 56/68 lô đất trúng đấu giá chưa được người trúng đấu giá nộp tiền, ở Hoài Đức có 8/19 lô đất trúng đấu giá chưa được người trúng đấu giá nộp tiền, có dấu hiệu bỏ cọc, gây dư luận xấu. Bên cạnh đó, có địa phương sử dụng giá đất trong bảng giá đất hiện hành chưa được điều chỉnh kịp thời, thấp hơn nhiều so với mặt bằng giá đất thực tế để làm giá khởi điểm, dẫn đến chênh lệch lớn giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm.

Chia sẻ quan điểm về giá trúng đấu giá của các lô đất ở Hà Đông vừa qua, bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Đấu giá viên TP. Hà Nội cho biết, mức giá trúng đấu giá hơn 262 triệu đồng/m2 có thể được coi là mức giá đột biến so với mặt bằng chung giá đất của quận Hà Đông vì từ trước tới nay chưa có lô đất nào tại khu vực này được ghi nhận có giá trúng đấu giá cao như vậy, đặc biệt ở những vị trí chưa được coi là “đất vàng”.

Bà Hạnh nêu khả năng giá trúng đấu giá không phải là giá mong muốn mua thực sự của người tham gia đấu giá mà để phục vụ cho mục đích khác. Ví dụ, có thể có những nhóm đối tượng phân chia nhiệm vụ để trả giá, có lô được đẩy giá lên cao để gây hiệu ứng cho việc bán các lô được trả giá thấp hơn, làm sai lệch bản chất của đấu giá, phục vụ cho việc đầu cơ, trục lợi, bán vênh, thổi giá.

Theo một số chuyên gia, việc xác định giá khởi điểm dẫn đến giá trị tiền đặt cọc thấp, thời gian hoàn thành nghĩa vụ tài chính trúng đấu giá kéo dài… là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trả giá cao rồi bỏ cọc thời gian qua.

Bà Hạnh cho biết, trước đây, thời gian hoàn thành nghĩa vụ tài chính trúng đấu giá tùy thuộc vào quy định của từng địa phương. Tuy nhiên, quy định hiện nay áp dụng chung thời gian hoàn thành nghĩa vụ tài chính trúng đấu giá là 90 ngày; việc hủy kết quả trúng đấu giá phải sau 120 ngày. Do đó, người tham gia đấu giá không nhằm mục đích sở hữu thửa đất có thời gian 3 tháng để tìm kiếm khách hàng, dẫn đến hoạt động đấu giá đất trở thành thị trường buôn bán, đầu cơ, trục lợi.

Có ý kiến cho rằng, những quy định vừa ban hành khi có phát sinh không phù hợp với thực tế hoạt động đấu giá cần phải được xem xét, sửa đổi sớm. Theo bà Hạnh, việc sửa đổi các nghị định, thông tư có thể chưa làm được ngay, nhưng nên có những chỉ đạo đặc biệt trong việc thực thi chính sách liên quan tới việc xác định giá khởi điểm, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính sau đấu giá, đẩy mạnh phát huy những ưu thế của hình thức đấu giá trực tuyến... Nếu vẫn áp dụng những quy định như hiện nay thì chưa biết bao giờ mới chặn được làn sóng trả giá cao rồi bỏ cọc, đẩy giá, đầu cơ, thao túng đấu giá đất. Bởi khách hàng tham gia đấu giá không hề vi phạm quy định pháp luật khi trả giá cao vì đó là quyền của khách hàng, khi họ bỏ cọc cũng phải chịu chế tài mất khoản tiền đặt trước.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, dấu hiệu đầu cơ, thổi giá trong các phiên đấu giá đất tại Hà Nội sẽ dẫn đến hệ lụy người dân khó tiếp cận đất đai, nhà ở; doanh nghiệp và Nhà nước gặp nhiều khó khăn trong việc đền bù đất đai do giá bị đẩy lên cao so với trước đây. Ông Thịnh đề xuất một số giải pháp như: xác định giá khởi điểm dựa trên giá thị trường, hạn chế chuyển nhượng trong thời gian 5 năm, yêu cầu người trúng đấu giá phải triển khai xây dựng trong vòng 2 - 3 năm kể từ khi được công bố trúng đấu giá…

Tin cùng chuyên mục