Không để xảy ra đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép một cách linh hoạt, hiệu quả, trước mắt, Chính phủ xác định phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhất hiện nay, đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian tới.
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong tháng 7 đã tác động không nhỏ đến mọi mặt của nền kinh tế, nhất là các vùng, địa phương động lực, có nhiều khu công nghiệp ở phía Nam. Ảnh: Lê Tiên
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong tháng 7 đã tác động không nhỏ đến mọi mặt của nền kinh tế, nhất là các vùng, địa phương động lực, có nhiều khu công nghiệp ở phía Nam. Ảnh: Lê Tiên

Điều hành kịp thời, hiệu quả trong bối cảnh đặc biệt

Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ nhất với mức độ tín nhiệm cao. Chính phủ đã bắt tay ngay vào công việc với động lực mới, khí thế mới, nhanh chóng, khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo, điều hành kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, trọng tâm là triển khai Nghị quyết của Quốc hội, phòng chống dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn, an ninh xã hội...

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh với diễn biến hết sức phức tạp và có nguy cơ kéo dài. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực, cố gắng của toàn hệ thống chính trị và xã hội, tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng vẫn duy trì được một số mặt tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; sản xuất, kinh doanh 7 tháng được duy trì mặc dù bị tác động mạnh từ dịch bệnh, nhất là trong tháng 7; cải cách thể chế tiếp tục được quan tâm, nhất là quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư, mua sắm, đấu thầu…

Chính phủ đã đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kịp thời ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021. Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, đến nay, đã thực hiện hỗ trợ 12,1 triệu lao động và gần 376 nghìn người sử dụng lao động với tổng kinh phí trên 5,7 nghìn tỷ đồng; đồng thời hỗ trợ người dân thông qua chính sách giảm giá điện, giá nước, dịch vụ viễn thông cho người dân, doanh nghiệp với quy mô khoảng trên 10 nghìn tỷ đồng...

Nghị quyết 86/NQ-CP về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được ban hành nhằm thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV. Trong đó, rất nhiều giải pháp đột phá và nhiều cơ chế, chính sách đặc thù… được đưa ra để dồn lực chống dịch hiệu quả.

Khó khăn lớn hơn, quyết tâm cao hơn

Bên cạnh những kết quả tích cực, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, diễn biến rất phức tạp của dịch Covid-19 trong tháng 7 đã tác động không nhỏ đến mọi mặt của nền kinh tế, nhất là các vùng, địa phương động lực, có nhiều khu công nghiệp ở phía Nam, khiến hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, tiêu dùng tại các khu vực này bị đứt gãy, đình trệ; sức mua trong nước và xuất khẩu giảm sút. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nếu dịch bệnh kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng. Thu hút vốn FDI 7 tháng giảm chủ yếu do một số khó khăn, vướng mắc về nhập cảnh của chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài, lưu thông hàng hóa, giấy phép lao động nước ngoài..., nếu chậm giải quyết có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và thu hút FDI. Đời sống người dân tại các khu vực bị cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội, nhất là công nhân lao động trong các khu công nghiệp, lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề...

Bộ KH&ĐT nhận định, tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2021 là hết sức khó khăn. Khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm 2021 từ 6 - 6,5% ngày càng khó hơn theo thời gian tác động của dịch Covid-19. Một số tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Việc bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều thách thức lớn…

Thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra ngay sau phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2025, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, những hành động trong giai đoạn này có ý nghĩa quyết định với công tác phòng chống dịch. Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm Nghị quyết 86; bằng mọi biện pháp có vaccine nhiều nhất, sớm nhất có thể. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu đã đề ra, có giải pháp cụ thể, rõ ràng, khả thi, hiệu quả và thường xuyên kiểm tra. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương hàng hóa, không để xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, có biện pháp thích nghi điều kiện mới, vừa bảo đảm chống dịch vừa duy trì sản xuất.

Tin cùng chuyên mục