Khu công nghiệp dừng hoạt động, doanh nghiệp điện tử gặp khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước diễn biến phức tạp và tăng nhanh số ca nhiễm Covid-19, một số địa phương đã phải áp dụng biện pháp mạnh tay, dừng hoạt động của các khu công nghiệp (KCN) để ngăn chặn sự lây lan, truy vết, khoanh vùng dập dịch. Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, việc đình đốn sản xuất, kinh doanh có tác động không nhỏ đến các DN điện tử đang đóng tại các KCN này.
Khu công nghiệp Vân Trung là 1 trong 4 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang phải tạm dừng hoạt động để phòng chống Covid-19 lây lan
Khu công nghiệp Vân Trung là 1 trong 4 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang phải tạm dừng hoạt động để phòng chống Covid-19 lây lan

- Bà có thể cho biết diễn biến của tình hình dịch bệnh hiện nay và những tác động đối với cộng đồng DN điện tử?

Bà Đỗ Thúy Hương: DN ngành điện tử chủ yếu đóng tại các KCN. Đợt dịch Covid-19 bùng phát, nặng nhất là ở khu vực phía Bắc - nơi tập trung đông các DN điện tử. Từ 0h ngày 18/5/2021, nhiều KCN tại Bắc Giang đã phải đóng cửa, hàng hóa không thể giao thương, các DN dừng sản xuất, hoạt động cầm chừng, công nhân nghỉ việc.

Việc các KCN phải tạm dừng hoạt động là biện pháp cần thiết, đã được chính quyền địa phương cân nhắc thận trọng, có tính đến lợi ích của DN. Tuy nhiên, việc đình đốn sản xuất, kinh doanh có tác động ảnh hưởng rất lớn đến các DN. Hầu hết các DN điện tử phía Bắc chủ yếu là xuất khẩu hoặc là nhà cung cấp (vendor) cho DN sản xuất đầu chuỗi như Samsung, Canon.... Cho nên các DN có mắt xích với nhau trong chuỗi cung ứng, nên dù không ở cùng KCN thì vẫn bị ảnh hưởng.

Khác với các ngành nghề dịch vụ như du lịch lữ hành, vận tải…, các DN điện tử là khu vực sản xuất, có tính chất tập trung vốn, công nghệ và lao động. Nếu dừng sản xuất lâu thì sẽ tổn thất lớn đến vốn, công nghệ, hạ tầng, rất khó phục hồi sau khủng hoảng.

Mặc dù dừng sản xuất, nhưng DN vẫn phải trả chi phí thuê nhà xưởng, hạ tầng, giao thương…, chưa kể phải tự đầu tư trang bị đồ bảo hộ phòng dịch, chịu chi phí test, xét nghiệm virus cho người lao động… DN dừng hoạt động thì công nhân nghỉ việc, và rất khó tuyển lại, bởi đây là những lao động đã được đào tạo.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương

Bà Đỗ Thị Thúy Hương

- Bà có đề xuất gì để sớm kiểm soát được dịch bệnh, DN nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh?

Bà Đỗ Thúy Hương: Đánh giá cao sự vào cuộc nhanh chóng và quyết liệt của Chính phủ và các địa phương, các ổ dịch bước đầu đã được kiểm soát, nhưng dù vậy, các DN vẫn không được chủ quan, phải luôn “trực chiến”, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa, không được lơ là, mất cảnh giác.

Hiện có những cách làm hay được cộng đồng DN đánh giá tốt, kiến nghị cần nhân rộng. Chẳng hạn như Bắc Ninh, để ngăn chặn lây lan dịch bệnh, địa phương yêu cầu DN cho công nhân nghỉ nhưng không cho họ về nhà, hay đi các tỉnh, thành phố khác, mà bố trí nhà ở xã hội để hỗ trợ công nhân...

Trong chỉ đạo phòng chống dịch, cần có sự thống nhất, đồng bộ giữa Trung ương và chính quyền địa phương, tránh khập khiễng, xảy ra tình trạng “ngăn sông cấm chợ”. Đơn cử như, do chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương về áp dụng biện pháp phòng chống dịch, sáng ngày 19/5 Hải Dương đã ko cho phép các xe vận tải hàng hóa từ Bắc Ninh, Bắc Giang lưu thông qua tỉnh… Nhờ thông tin thông suốt giữa Hiệp hội, các nhóm DN với các cơ quan chức năng mà ngay khi được phản ánh, thì đến tối cùng ngày, sự việc cơ bản đã được giải quyết.

Để hỗ trợ DN sớm hồi phục sản xuất, cộng đồng DN điện tử kiến nghị Chính phủ nới lỏng các điều kiện để tiếp cận các gói hỗ trợ cho DN như hỗ trợ vay để trả lương công nhân; miễn giảm, giãn hoãn thuế, phí công đoàn, BHXH, BHYT… và gia hạn sang năm 2021. Bởi vì để giữ chân công nhân, DN chỉ dám cho công nhân làm việc xen kẽ, luân phiên, chứ không thể cho nghỉ việc được.

- Theo bà, giải pháp nào là căn cơ nhất hiện nay?

Bà Đỗ Thúy Hương: Ngoài biện pháp “5K”, theo cộng đồng DN, vắc xin vẫn là giải pháp căn cơ nhất hiện nay. Có vắc xin thì sẽ đạt được sự miễn dịch cộng đồng. Việt Nam có tỷ lệ tiêm vắc xin cao sớm ngày nào thì lợi thế cạnh tranh quốc gia, DN càng lớn từng đó. Do đó, nhiều ý kiến đánh giá cao việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP về việc mua vắc xin phòng Covid-19, trong đó có chỉ đạo Bộ Y tế đẩy nhanh tiến trình đàm phán, ký kết hợp đồng mua vắc xin để tăng độ bao phủ vắc xin trên cả nước.

Trước đó, nhiều hiệp hội ngành hàng như: điện tử, dệt may, da giày và túi xách, thủy sản, gỗ… đã kiến nghị lên Chính phủ về việc cho phép DN chung tay cùng Chính phủ, góp công góp của, hỗ trợ đàm phán để đẩy nhanh việc mua vắc xin. Nhờ các quan hệ gần gũi với nhà sản xuất, các DN có thể chủ động đàm phán để mua vắc xin cho mình và hỗ trợ một phần cho Chính phủ (nếu cần thiết). Trong đó, Nhà nước vẫn giữ vai trò điều tiết chính, còn DN chỉ hỗ trợ kinh phí, đàm phán…

Mặt khác, Nhà nước cần có sự đồng bộ với các nước có giao thương để các bên có thể công nhận lẫn nhau “hộ chiếu vắc xin”, tạo thuận lợi cho DN trong việc lưu chuyển hàng hóa, thể nhân.

Trước mắt, cần ưu tiên số 1 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Nhưng sau lực lượng này thì nên ưu tiên tiêm vắc xin cho đối tượng là DN.

Tóm lại, có triển khai đồng bộ được các giải pháp như vậy thì mới đảm bảo thực hiện được mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế như Chính phủ đã đề ra.

- Xin cảm ơn bà!

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục