Kích hoạt các nguồn lực đầu tư cho công trình giao thông trọng điểm năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên thực hiện trong năm 2023. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung tháo gỡ vướng mắc để huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, các công trình giao thông trọng điểm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của ngành giao thông vận tải - ảnh Khánh Ngọc
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của ngành giao thông vận tải - ảnh Khánh Ngọc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của ngành GTVT diễn ra chiều 13/1/2023.

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Bùi Danh Huy cho biết, năm 2022, Bộ đã hoàn thành, trình Chính phủ ban hành 8 nghị định, 49 thông tư theo thẩm quyền, đạt 100% kế hoạch. Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã thực hiện tổng kết các luật chuyên ngành theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra. Bộ đã hoàn thành 5 quy hoạch ngành quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4/5 quy hoạch.

Việc triển khai đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông năm 2022 được đặc biệt chú trọng với tư duy mới, cách làm mới đảm bảo cả 3 mục tiêu "chất lượng, tiến độ, hiệu quả". Chỉ riêng năm 2022, 6 dự án quan trọng quốc gia ngành GTVT đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Năm 2022, ngành GTVT đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành và đưa vào khai thác đảm bảo chất lượng 22 dự án, trong đó có nhiều dự án quan trọng như cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn, đường cất hạ cánh tại 2 cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, 2 dự án đường sắt trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, thông xe tuyến chính 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1.

Ngành GTVT cũng đã hoàn thiện toàn bộ thủ tục theo đúng quy định pháp luật để khởi công 18 dự án động lực như Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cầu Rạch Miễu 2. Đặc biệt, lần đầu tiên ngành GTVT tổ chức khởi công đồng loạt theo hình thức trực tuyến Dự án đường bộ cao tốc Bắc -Nam phía Đông với 12 dự án thành phần. Tính đến hết năm 2022, Bộ GTVT đã giải ngân lên đến 47.905 tỷ đồng, bằng khoảng 87% kế hoạch, cao hơn mức bình quân cả nước (khoảng 75%). Dự kiến hết năm tài chính, Bộ GTVT sẽ giải ngân 95,7% tổng kế hoạch được giao.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, năm 2023 là năm giữa của giai đoạn 2021 - 2025 nên dự kiến sẽ nhiều chương trình, nhiệm vụ liên quan tới việc đánh giá giữa kỳ trung hạn (rà soát tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025). Nhằm duy trì, giữ vững lá cờ đầu trong công tác quy hoạch, kế hoạch đầu tư, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao, Bộ GTVT cần cụ thể hóa các giải pháp, tiếp tục tăng cường chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đặc biệt là các dự án trọng điểm, nhưng đảm bảo tuân thủ quy trình, quy phạm, đảm bảo chất lượng công trình, tránh để xảy ra sai sót đáng tiếc trong tổ chức thực hiện.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đã chỉ ra 3 nhóm giải pháp chủ yếu mà ngành GTVT cần tập trung nghiên cứu, thực hiện để có thể hoàn thành mục tiêu.

Thứ nhất, về cơ chế, chính sách, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, định mức... tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư, quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; tăng cường phân cấp trong công tác đầu tư, quản lý, bảo trì theo hướng giao cho các địa phương; đánh giá, nhân rộng các mô hình về thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)... Cùng với đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng, chuyên dùng từ nguồn vốn trong và ngoài ngân sách nhà nước để đáp ứng nhu cầu phát triển chung của hệ thống cảng biển. Đồng thời, nghiên cứu chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư hàng không, trong đó nghiên cứu đầu tư các cảng hàng không dùng chung dân dụng - quân sự, nhằm tạo thuận lợi và căn cứ để kêu gọi nhà đầu tư.

Thứ hai, về huy động và phân bổ vốn đầu tư, ngành GTVT cần tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông, phân bổ nguồn vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các công trình trọng điểm, có tính lan tỏa, kết nối giữa các phương thức vận tải. Ưu tiên nguồn vốn ngân sách nhà nước với vai trò là vốn mồi trong các dự án PPP. Tiếp tục thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế. Nghiên cứu cho phép các dự án kết cấu hạ tầng giao thông được vay vốn từ nguồn vốn tín dụng dài hạn, lãi suất ưu đãi.

Thứ ba, về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện, cần công bố công khai quy hoạch bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong các tổ chức chính trị, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân khi triển khai thực hiện. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý, thực hiện quy hoạch để bảo đảm quy hoạch được thực hiện đúng quy định. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quy hoạch.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, trong năm 2022, Bộ GTVT đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao. Bộ làm tốt công tác quy hoạch; triển khai các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia với nhiều dự án mới được phê duyệt, khởi công cũng như hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, công tác quản lý nhà nước ở nhiều mảng của Bộ GTVT còn chưa theo kịp thực tiễn; còn chồng chéo giữa các quy định pháp luật; các dự án triển khai còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, một số dự án chậm tiến độ, vẫn còn xảy ra tình trạng bán thầu, những vụ việc tham nhũng, tiêu cực...

Thời gian tới, ngành GTVT cần tháo gỡ vướng mắc pháp lý về chính sách đầu tư BOT, BT trên tinh thần đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực đầu tư của xã hội vào hạ tầng giao thông, các công trình giao thông trọng điểm. Thủ tướng Chính phủ lưu ý, đối với việc đầu tư các dự án, phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, tăng cường giám sát, nhất là trong công tác đấu thầu, thi công. Các ban quản lý dự án cần rà soát, xem xét lại, rút kinh nghiệm, hạn chế việc bán thầu, chia nhỏ các dự án, tránh tham nhũng, tiêu cực...

Tin cùng chuyên mục