Kích hoạt các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm sút tiếp tục có tác động tiêu cực đáng kể với nền kinh tế Việt Nam. Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam tiếp tục ở mức thấp với dự báo chỉ đạt 4,7% trong năm 2023. Lạm phát dự báo ở mức 3,5% năm 2023 và 3% trong năm 2024, 2025. Trước đó, WB dự báo tăng trưởng GDP trong năm nay của Việt Nam ở mức 6%...
Giải ngân đầu tư công được đánh giá là động lực tăng trưởng hàng đầu trong thời gian tới. Ảnh: Trần Chiến
Giải ngân đầu tư công được đánh giá là động lực tăng trưởng hàng đầu trong thời gian tới. Ảnh: Trần Chiến

Ba rủi ro lớn đến từ bên ngoài

Tại họp báo công bố Báo cáo điểm lại kinh tế Việt Nam 2023 diễn ra ngày 10/8/2023, bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB chỉ ra ba rủi ro lớn từ bên ngoài. Đó là rủi ro cầu bên ngoài yếu hơn so với dự kiến; điều kiện huy động tài chính toàn cầu tiếp tục bị thắt chặt làm gia tăng khoảng cách giữa định hướng chính sách tiền tệ của Việt Nam với các nền kinh tế phát triển; thách thức về biến đổi khí hậu toàn cầu. Cùng với đó, rủi ro trong nước là chất lượng tài sản của khu vực tài chính tiếp tục xấu đi, nợ xấu ngân hàng tăng đòi hỏi phải theo dõi chặt chẽ và tiến hành đổi mới.

Không chỉ WB hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam, mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 từ mức 5,8% xuống còn 4,7%. Theo IMF, nền kinh tế Việt Nam chịu tác động nặng nề hơn do tổng cầu bên ngoài giảm mạnh từ cuối năm 2022.

Trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, tình hình thế giới từ đầu năm đến nay tiếp tục biến động nhanh, phức tạp. Các doanh nghiệp (DN) nói riêng, cả nền kinh tế nói chung đang rất khó khăn. Dù nền kinh tế giữ được xu hướng phục hồi trong những tháng gần đây, dần lấy lại đà tăng trưởng tháng sau tích cực hơn tháng trước, nhưng trong những tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, không thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn, phụ thuộc lớn vào xu hướng chung toàn cầu; tạo rủi ro, sức ép lên điều hành tăng trưởng, ổn định vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế…

Dù tiêu dùng trong nước giảm sút nhưng vẫn là động lực duy trì tăng trưởng cho nền kinh tế. Ảnh: Nhã Chi

Dù tiêu dùng trong nước giảm sút nhưng vẫn là động lực duy trì tăng trưởng cho nền kinh tế. Ảnh: Nhã Chi

Tăng cường vai trò của chính sách tài khóa

Theo bà Dorsati Madani, dù tiêu dùng trong nước giảm sút nhưng đây vẫn là động lực duy trì tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong các tháng cuối năm và 3 năm tới. Giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong nửa cuối năm 2023 có thể hỗ trợ một phần nhỏ. Phục hồi đầu tư tư nhân sẽ chậm hơn nhưng giải ngân vốn FDI vẫn đứng vững, tăng cường đầu tư công sẽ bù đắp một phần cho đầu tư tư nhân, giúp khôi phục lực cầu trong nước.

WB nhấn mạnh, nền kinh tế gặp khó khăn do tổng cầu yếu đi và tăng trưởng giảm tốc xuống dưới mức tiềm năng đòi hỏi phải có những hỗ trợ chính sách chủ động, hiệu quả ngay trong ngắn hạn.

Bà Dorsati Madani cho rằng, để hỗ trợ tăng trưởng, chính sách tiền tệ còn ít dư địa hơn so với chính sách tài khóa, nên cần tăng cường vai trò của chính sách tài khóa. “Việc tiếp tục giảm lãi suất không mang lại nhiều hiệu quả trong ngắn hạn vì nhu cầu đầu tư không cao do DN giảm sản xuất kinh doanh... May mắn nợ công ở mức an toàn giúp có dư địa tài khóa rộng hơn để áp dụng các biện pháp tài khóa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, bà Dorsati Madani nhận định.

WB đặc biệt chú trọng giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công - động lực tăng trưởng hàng đầu cho Việt Nam. Theo đó, các cơ quan chức năng cần và nên đặt ra các mục tiêu cụ thể về việc thực hiện các chương trình đầu tư lớn của quốc gia; linh hoạt hơn trong phân bổ ngân sách; linh hoạt trong đấu thầu, tiến hành một số hoạt động đấu thầu trước để nâng cao hiệu quả đầu tư công; bảo đảm trách nhiệm giải trình của các cấp. Bên cạnh đầu tư công, các chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng khi kinh tế chững lại cũng là cách hỗ trợ tổng cầu.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023, Thủ tướng yêu cầu các tháng cuối năm đặc biệt lưu ý 6 nội dung. Đó là bảo đảm cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá; ưu tiên cho tăng trưởng, thúc đẩy cả tổng cung, tổng cầu, 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, thực hiện chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát (tiếp tục miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, đẩy nhanh hoàn thuế, đẩy mạnh đầu tư công...); bảo đảm an ninh tiền tệ, tài chính quốc gia, theo dõi sát tình hình bên trong và bên ngoài để có đối sách phù hợp, kịp thời; rút ngắn quy trình, thủ tục xây dựng thể chế và văn bản.

Cùng với giải pháp ngắn hạn, WB lưu ý cải cách cơ cấu nền kinh tế cần được thực hiện để giúp nâng cao năng suất và tính bền vững cho tăng trưởng kinh tế.

Tại một diễn đàn mới đây, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, khó khăn bên ngoài hiện lớn hơn và không thể kiểm soát, muốn thúc đẩy tăng trưởng, cải cách bên trong là yếu tố quyết định. Trong bối cảnh khó khăn, cần giảm chi phí, giảm rào cản, tạo môi trường kinh doanh an toàn hơn, ít rủi ro hơn.

Ông Nguyễn Đình Cung lưu ý, trong lúc DN đang thiếu vốn, đang muốn kích cầu, chính sách tài khóa kích cầu tốt hơn chính sách tiền tệ nhưng đang sử dụng quá ít chính sách tài khóa để hỗ trợ DN. Giải pháp được ông Cung chọn là ưu tiên hoàn nhanh thuế GTGT vì DN đang rất cần vốn; kéo dài thời hạn giảm thuế GTGT, cầu mới có thể tăng lên; không bàn đến chuyện tăng thu; gỡ vướng ngay thủ tục phòng cháy chữa cháy.

Cũng nhấn mạnh vai trò cải cách trong nước, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, có giải pháp mạnh mẽ, cụ thể. Ông Phan Đức Hiếu dẫn ra một số chỉ đạo mới đây như Công điện 644/CĐ-TTg ngày 13/7/2023, Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Ông Hiếu đánh giá cao 2 văn bản không chỉ yêu cầu cải cách thủ tục hành chính mà còn nhấn mạnh cắt giảm chi phí tuân thủ. Nghị quyết số 105/NQ-CP nêu rất rõ, không ban hành quy định mới nếu tạo thêm chi phí mới cho DN. Tiếp theo, ngày 6/8/2023, Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã được thành lập. Ông Phan Đức Hiếu cho rằng, quan trọng lúc này là đưa chính sách vào thực tiễn một cách nhanh nhất, để tạo ra hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục