Kiểm phiếu lại có thể gây kịch tính trên chính trường Mỹ

Kiểm phiếu lại ở nhiều bang có thể gây ra nhiều kịch tính trên chính trường Mỹ, nhưng gần như không thể thay đổi kết quả ban đầu.
Bà Hillary Clinton trong sự kiện tranh cử ở Wisconsin hồi tháng ba. Ảnh:Reuters
Bà Hillary Clinton trong sự kiện tranh cử ở Wisconsin hồi tháng ba. Ảnh:Reuters

Bang Wisconsin trong tuần này sẽ bắt đầu quá trình kiểm lại phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ theo yêu cầu của ứng viên Đảng Xanh Jill Stein. Cuộc kiểm phiếu lại này được đánh giá là rất khó mang đến một kết quả đảo ngược cho bà Hillary Clinton trước đối thủ Donald Trump, nhưng nó sẽ có tác động sâu sắc đến chính trường Mỹ, theo Newsweek.

Khi ủy ban bầu cử bang Wisconsin quyết định kiểm phiếu lại, một ban kiểm phiếu sẽ xem xét lại toàn bộ danh sách cử tri đi bầu, phiếu bầu từ xa cũng như phiếu bầu bình thường, để xác nhận hoặc đảo ngược kết quả bỏ phiếu đã được đưa ra hôm 9/11. Theo chuyên gia Alex Gladu của Bustle, sẽ có ba kịch bản xuất hiện sau cuộc kiểm phiếu lại: Chiến thắng của Trump được củng cố; bà Clinton được tuyên bố chiến thắng ở bang Wisconsin; hoặc kết quả kiểm phiếu lại có thể bị trì hoãn công bố sau hạn chót 13/12 của chính quyền liên bang.

Theo kết quả kiểm phiếu ban đầu, ông Trump đã đánh bại bà Clinton ở bang Wisconsin với tỷ lệ khoảng 20.000 phiếu, tương đương 1% cử tri đi bầu của bang. Cuộc kiểm phiếu lại là cơ hội để quyết định xem sự chênh lệch sát sao này là phản ánh đúng thực tế, hay là hậu quả của sai sót trong quá trình kiểm phiếu, hoặc tệ hơn là sự gian lận trong bầu cử.

Một nhóm luật sư bầu cử và chuyên gia máy tính Mỹ tuần trước đã hối thúc bà Clinton yêu cầu kiểm phiếu lại ở ba bang chiến trường quan trọng là Wisconsin, Michigan và Pennsylvania, nơi có những dấu hiệu bất thường trong quá trình bỏ phiếu, chẳng hạn như trục trặc với các máy bầu cử, hoặc thậm chí có thể là tình trạng gian lận. Ở một số hạt của bang Wisconsin, số phiếu bầu được ghi nhận cao hơn so với số cử tri đăng ký đi bỏ phiếu.

John Bonifaz, một luật sư bầu cử kỳ cựu, người sáng lập Viện Quyền Bầu cử Quốc gia Mỹ, cho rằng những người yêu cầu kiểm phiếu lại thường phải có cơ sở vững chắc cho đề xuất của mình. Trong trường hợp của ứng viên Đảng Xanh, bà có sự chứng thực của một chuyên gia máy tính hàng đầu về những trục trặc có thể xảy ra với hệ thống máy bỏ phiếu ở một số hạt của bang Wisconsin.

Theo chuyên gia máy tính này, hệ thống máy bỏ phiếu điện tử tại nhiều nơi ở bang Wisconsin đã được chứng minh là không đáng tin cậy. Tại bang Michigan, ông Trump giành chiến thắng với 11.000 phiếu bầu nhiều hơn so với bà Clinton. Thế nhưng bang này có đến 85.000 "phiếu trắng", khi cử tri chỉ điền tên các ứng viên tranh cử vào Quốc hội và chính quyền địa phương mà bỏ trống phần bầu tổng thống. Đây là số phiếu trắng cao nhất trong lịch sử bầu cử của bang.

Việc kiểm lại những phiếu trắng này có thể xác định xem cử tri có điền dấu tích vào ô tròn cạnh tên ứng viên thay vì tô đen cả ô này hay không. Máy kiểm phiếu chỉ tính những lá phiếu được tô đen cả ô, nhưng nếu kiểm phiếu bằng tay, những lá phiếu có dấu tích vẫn được tính.

Điều này có thể tạo ra sự khác biệt trong kết quả kiểm phiếu. Chẳng hạn như ở bang Minnesota trong cuộc bầu cử năm 2008, thượng nghị sĩ Al Franken đã giành lại chiến thắng từ đối thủ Norm Coleman sau cuộc kiểm phiếu lại. Máy kiểm phiếu xác định Coleman thắng, nhưng cuộc kiểm phiếu bằng tay sau đó xác định Franken mới là người có số phiếu bầu cao hơn.

Khi các bang tiến hành kiểm phiếu lại, tất cả các ứng viên sẽ được đề nghị giám sát quá trình kiểm phiếu. Nếu họ phát hiện điều gì bất thường trong lá phiếu, chẳng hạn như một vết bẩn không giống như lựa chọn của cử tri, họ có thể khiếu nại về lá phiếu đó. Bonifaz cho rằng chiến dịch của ông Trump chắc chắn sẽ có mặt và theo dõi chặt chẽ quá trình kiểm lại phiếu.

Tại bang Wisconsin, quá trình kiểm phiếu lại diễn ra tại các trụ sở chính quyền địa phương, và các quan chức địa phương có thể ủng hộ nhưng cũng có thể phản đối quá trình này. Dù vậy, tất cả phiếu bầu cũng được kiểm lại, và nếu kết quả này khác với kết quả ban đầu, bang Wisconsin phải tuân theo kết quả kiểm phiếu lần hai.

Nếu kết quả kiểm phiếu giữa hai lần quá khác biệt, nhà chức trách ngay sau đó sẽ mở cuộc điều tra và giám định các máy bỏ phiếu. Trong trường hợp cuộc kiểm phiếu lại kéo dài và chưa thể kết thúc vào ngày 13/12, thời hạn chót để các đại cử tri bỏ phiếu, Tòa án Tối cao sẽ là cơ quan quyết định xem cuộc kiểm phiếu lại có tiếp tục hay không.

Cơ hội đảo chiều mong manh

Một hệ thống máy tính để cử tri Mỹ bỏ phiếu bầu tổng thống. Ảnh:Wordpress

Nếu cuộc kiểm phiếu lại cho kết quả đảo ngược và bà Clinton được tuyên bố chiến thắng ở bang Wisconsin, bà sẽ có thêm 10 phiếu đại cử tri của bang này vốn đang được tính cho ông Trump. Lúc đó, bà Clinton sẽ có trong tay 242 phiếu đại cử tri, còn ông Trump nắm giữ 280 phiếu (chưa tính số phiếu đại cử tri ở bang Michigan, nơi cuộc kiểm phiếu vẫn đang được tiến hành với kết quả rất sát sao).

Trong trường hợp bang Wisconsin không thể hoàn thành việc kiểm phiếu lại trước hạn chót 13/12, ông Trump về lý thuyết cũng sẽ mất 10 phiếu đại cử tri của bang này, nhưng bà Clinton cũng không giành được số phiếu đó.

Với cả hai kịch bản này, ông Trump vẫn là Tổng thống đắc cử của Mỹ, do có trong tay nhiều hơn 270 phiếu đại cử tri tối thiểu. Nói cách khác, cuộc kiểm phiếu lại ở bang Wisconsin là không đủ để giúp bà Clinton đảo ngược thế cờ. Thế nhưng, nó có thể là bước đệm quan trọng cho những diễn biến kịch tính hơn trên chính trường Mỹ.

Bà Stein và Đảng Xanh đã tuyên bố sẽ tiếp tục yêu cầu kiểm phiếu lại ở hai bang chiến trường quan trọng khác là Michigan và Pennsylvania, với tổng số 26 phiếu đại cử tri. Nếu ông Trump thua trong cuộc kiểm phiếu lại ở cả Wisconsin và Pennsylvania, số phiếu đại cử tri của ông sẽ dưới mức 270, và ông không thể là tổng thống tiếp theo của Mỹ. Đây là lúc kịch tính bắt đầu xuất hiện, theo Bonifaz.

Nếu cuộc kiểm phiếu lại ở hai bang Michigan và Pennsylvania kéo dài qua hạn chót 13/12, ông Trump cũng sẽ mất các phiếu đại cử tri ở đây, và không hội đủ 270 phiếu cần thiết để đắc cử. Lúc đó, Tu chính án thứ 12 trong Hiến pháp Mỹ được kích hoạt, và Hạ viện sẽ là nơi quyết định ai là tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Nhưng nếu cuộc kiểm phiếu ở các bang này được hoàn thành trước thời hạn và mang về kết quả có lợi cho bà Clinton, bà sẽ đảo ngược được tình thế và giành lấy chiến thắng trong tay ông Trump. Nhưng kịch bản này có thể châm ngòi cho những hành động khiếu nại kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn trong xã hội Mỹ vốn đang bị chia rẽ sâu sắc sau cuộc bầu cử.

Nói cách khác, vẫn còn nhiều kịch bản có thể khiến kết quả bầu cử tổng thống Mỹ bị thay đổi. Tuy nhiên, điều đó cần đến một đợt kiểm phiếu lại ở nhiều bang, và kết quả chỉ thay đổi khi có những trường hợp vi phạm quy định bầu cử rõ ràng ở quy mô lớn, trong khi không có nhiều dấu hiệu cho thấy điều này đã thực sự xảy ra. Ngay cả khi Tu chính án thứ 12 được kích hoạt, với việc đảng Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện, cơ hội cho ông Trump là lớn hơn rất nhiều.

Cây bút Joshua A. Douglas của CNN cũng khuyên những người ủng hộ bà Clinton từ bỏ hy vọng mong manh vào kết quả kiểm phiếu lại, bởi tỷ lệ dẫn trước của ông Trump tại ba bang chiến trường lên tới hàng chục nghìn phiếu, chứ không phải vài trăm.

"Đây không phải là Florida năm 2000, khi ông George W. Bush dẫn trước đối thủ Al Gore với chỉ 1.784 phiếu, tương đương 0,031% cử tri của bang", Douglas nói, bổ sung rằng trong 15 năm qua, chỉ có 3 cuộc kiểm phiếu lại ở các bang mang lại kết quả trái ngược.

"Việc kéo dài chiến dịch bằng cách đòi kiểm phiếu lại chỉ nuôi dưỡng những nghi ngờ không có căn cứ về tính hợp pháp của cuộc bầu cử. Hệ thống dân chủ của Mỹ dựa vào việc mọi người chấp nhận kết quả bầu cử. Tính chính danh của nó bị tổn hại khi những lời phỏng đoán đặt nghi vấn về kết quả mà không có bằng chứng về nạn gian lận cũng như số phiếu đại cử tri quyết định người thắng cuộc", Doughlas nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục