Mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải bảo đảm yêu cầu tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ảnh: Lâm Hiển |
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với Dự án Luật ĐVHCKTĐB. Đây là Dự án Luật quan trọng, có nhiều nội dung rất mới, chưa có tiền lệ ở nước ta, trong quá trình thảo luận còn nhiều quan điểm khác nhau. Vì vậy, Tọa đàm mong muốn có những phân tích toàn diện và sâu sắc hơn từ các chuyên gia về cơ sở lý luận, thực tiễn của từng phương án tổ chức chính quyền địa phương ở ĐVHCKTĐB, nhất là sự phù hợp với chủ trương của Đảng, với quy định của Hiến pháp, vấn đề giám sát, kiểm soát quyền lực để phòng ngừa sự lạm quyền…
Mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở ĐVHCKTĐB phải bảo đảm yêu cầu tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, được phân cấp, phân quyền và giao quyền tự chủ mạnh, cũng như phải rõ chế độ trách nhiệm; khắc phục được những bất cập về tệ quan liêu, nhũng nhiễu, cửa quyền, thủ tục hành chính rườm rà, bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu quả…
Ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh, cần phân biệt rất rõ là chúng ta xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở một đơn vị hành chính với đầy đủ các yếu tố của một cơ quan thực thi quyền lực nhà nước, chứ không phải mô hình quản lý của các khu kinh tế tập trung. Nếu chỉ là mô hình quản lý khu kinh tế thì áp dụng vào điều kiện nước ta để xây dựng chính quyền các ĐVHCKTĐB cũng sẽ không phù hợp.
Đối với chính sách thu hút đầu tư thông qua ưu đãi về đất đai, các đề xuất cần làm rõ các điều kiện cần ràng buộc đối với nhà đầu tư khi Nhà nước giao đất thực hiện dự án đầu tư hoặc nhà đầu tư thực hiện quyền chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng, mua bán, sở hữu nhà ở, bất động sản… ở ĐVHCKTĐB để tránh tình trạng lạm dụng các chính sách, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước.