Đa số các khu nhà trọ dạng “dãy phòng trọ cho thuê” thường lụp xụp, không đảm bảo chất lượng, rất thiếu tiện ích, không đảm bảo an ninh, an toàn, phòng cháy chữa cháy. Ảnh: Internet |
Theo thống kế của các cơ quan chức năng, TP.HCM có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với 1.062 doanh nghiệp (653 doanh nghiệp trong nước, 409 doanh nghiệp FDI), tổng số lao động là 285.000 người, trong đó lao động ngoại tỉnh là 185.250 người, tương ứng tỷ lệ 65%. Nếu tính cả các cụm công nghiệp thì còn có thêm 538 doanh nghiệp và khoảng 95.000 lao động.
Đến nay, TP.HCM chỉ có 6 khu chế xuất, khu công nghiệp xây dựng hoàn thành khu lưu trú công nhân, gồm Khu chế xuất Tân Thuận, Linh Trung 1, Tân Bình, Tân Tạo, Hiệp Phước, Vĩnh Lộc.
Các nhà lưu trú công nhân - phòng ở tập thể 4-6-8 người thuê, hoặc cho hộ gia đình thuê - đều được cấp phép xây dựng, đảm bảo chất lượng và tiện ích tương tự khu nhà chung cư; nhưng cũng mới giải quyết chỗ ở cho khoảng 15% công nhân, lao động các khu chế xuất, khu công nghiệp nên đa số công nhân, lao động nhập cư phải thuê phòng trọ của cá nhân, hộ gia đình.
Riêng, Công ty Giày Pou Yen có diện tích khoảng 100 ha tại quận Bình Tân, là doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp nhưng có quy mô tương đương một khu công nghiệp, với hơn 80.000 công nhân, không có nhà lưu trú công nhân. Trong đó, có khoảng 16.000 người thuê phòng trọ tại các tỉnh lân cận được bố trí xe đưa đón hàng ngày.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, TP.HCM hiện có khoảng 60.470 công trình nhà trọ do cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng cho công nhân, người lao động thuê để ở có thể đáp ứng chỗ ở cho 1.430.067 người.
Trong đó, nhóm 1, là những dãy phòng trọ cho thuê độc lập, phòng ở tối thiểu 10m2 theo Thông tư 20/2016/TT-BXD, chỉ dành cho công nhân, lao động thuê ở, còn chủ sở hữu khu nhà trọ cư ngụ ở nơi khác.
Loại “dãy phòng trọ cho thuê độc lập” này tập trung chủ yếu trên địa bàn Quận 7, Quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, gồm có 34.800 công trình với tổng số phòng trọ cho thuê là 357.246 phòng; tổng diện tích sàn xây dựng 6.275.913 m2 có thể giải quyết được nhu cầu thuê chỗ ở cho 943.341 người.
Nhóm 2, nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân dành một phần nhà, ngăn chia thành từng phòng để cho thuê, tập trung chủ yếu trên địa bàn Quận 7, Quận 10, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Bình, Bình Thạnh, Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, gồm có 25.670 công trình với tổng số phòng trọ cho thuê 202.973 phòng; tổng diện tích sàn xây dựng 3.193.186m2 có thể giải quyết được nhu cầu thuê chỗ ở cho 486.726 người.
Điều đáng lo ngại là, đa số các khu nhà trọ dạng “dãy phòng trọ cho thuê” thường lụp xụp, không đảm bảo chất lượng, rất thiếu tiện ích, không đảm bảo an ninh, an toàn, phòng cháy chữa cháy, cá biệt có khu nhà trọ là “vùng trũng” của tội phạm.
Vì vậy, theo HoREA, rất cần thiết ban hành quy định về “tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng ở”, nhất là “tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng trọ thuộc khu nhà trọ cho thuê” để “chuẩn hóa” phòng trọ, góp phần cải thiện điều kiện ở, đảm bảo an ninh, an toàn và phòng chống dịch bệnh cho công nhân, lao động tại các khu nhà trọ do cá nhân, hộ gia đình đầu tư kinh doanh.
Cụ thể, Hiệp hội đề nghị bổ sung Mục 1.2 “Dự thảo TCVN” như sau: “Nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh, cho thuê để ở hoặc nhà ở riêng lẻ chỉ dùng để kinh doanh cho thuê phòng trọ, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu trong tiêu chuẩn này…”.
Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị bổ sung thêm quy định mỗi phòng ở do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng để cho thuê phải đảm bảo chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng và diện tích sử dụng phòng ở không được nhỏ hơn 10 m2 hoặc 15 m2; chiều rộng thông thủy không dưới 2,40 m; chiều cao thông thủy chỗ thấp nhất không dưới 2,70 m.
Tương tự, diện tích sử dụng bình quân không nhỏ hơn 5 m2 hoặc 7,5 m2 cho một người; khu nhà trọ có từ 10 phòng ở trở lên phải có phòng sinh hoạt chung có tối thiểu 1 phương tiện nghe nhìn, kết nối Internet; lối đi giữa hai dãy nhà trọ, còn gọi là hẻm, có khoảng cách tối thiểu không nhỏ hơn 2 m hoặc 2,2 m.