Một trong những động lực tăng trưởng kinh tế trong 2 năm 2019 - 2020 là phát triển khu vực tư nhân. Ảnh: Lê Tiên |
Quan trọng nhất là cải cách bộ máy hành chính
Trong các năm 2019 - 2020, theo TS. Đặng Đức Anh - Trưởng ban Ban Phân tích và Dự báo thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, động lực tăng trưởng kinh tế sẽ là phát triển khu vực tư nhân; cải cách thể chế và môi trường kinh doanh; khoa học công nghệ và nâng cao năng suất lao động. “Các động lực này đã nhiều lần được nhấn mạnh nhưng từ chủ trương chính sách đến thực hiện còn khoảng cách, cần tiếp tục tập trung trong thời gian tới, không chỉ là động lực cho tăng trưởng 2 năm tới, mà cả giai đoạn 2021 - 2025”, TS. Đặng Đức Anh nhận định.
Nói về thứ tự ưu tiên, theo quan điểm của TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ KH&ĐT, tình hình khó mấy thì khó nhưng nếu cải cách tốt sẽ thay đổi, còn cứ ì ạch sẽ khó có khởi sắc. “Khu vực doanh nghiệp thành lập mới nhiều, nhưng lụi đi cũng nhiều. Có người gọi đó là đổ vỡ có tính chất sáng tạo, nhưng tôi vẫn nghĩ là do môi trường kinh doanh chưa thuận lợi, chính sách không đi vào cuộc sống”, TS. Lưu Bích Hồ dẫn chứng. Từ góc nhìn này, TS. Lưu Bích Hồ cho rằng, động lực đầu tiên của các động lực phải là cải cách bộ máy nhà nước, mà muốn cải cách được phải chấm dứt cơ chế xin - cho.
Bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng, động lực tăng trưởng đầu tiên để có thể tác động tích cực đến các động lực khác là cải cách bộ máy hành chính nhà nước, khu vực nhà nước. Nếu không thực hiện được thì không thể phát triển khu vực tư nhân. Bà Phạm Chi Lan lấy ví dụ, 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 nhưng gỡ mãi điều kiện kinh doanh vẫn khó khăn, cắt chỗ này gài điều kiện chỗ khác. Hai năm tới, theo bà Phạm Chi Lan, phải tập trung thực hiện mạnh Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, vì đây là cam kết đầy đủ của Chính phủ, xóa bỏ xin - cho.
Về động lực phát triển khu vực tư nhân, bà Phạm Chi Lan cho rằng, phải làm rõ khu vực tư nhân là ai, là doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hay những doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước, những đại gia trong khu vực tư nhân, hưởng lợi rất nhiều từ chính sách tài chính, tín dụng, đất đai…, hay là đông đảo doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực kinh tế phi chính thức? “Xác định rõ khái niệm khu vực tư nhân để phát triển thành động lực tăng trưởng mới là cần thiết, không đánh đồng để rồi cuối cùng chỉ có một vài đại gia hưởng lợi”, bà Phạm Chi Lan lưu ý.
Hai mặt của chiến tranh thương mại
Bên cạnh xác định và tìm cú hích để khơi thông các động lực tăng trưởng, năm 2019, dù dự báo tăng trưởng đang khá lạc quan, nhưng nhiều chuyên gia lưu ý các rủi ro phát sinh từ những biến động của kinh tế thế giới và nội tại nền kinh tế.
Tình hình kinh tế thế giới, như cách nói của TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Ban Kinh tế thế giới của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, là đang rất khó dự báo, đoán định, nhất là khi phụ thuộc nhiều vào quyết định cá nhân, khó có thể biết được động thái, hành động của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Sebastian Eckardt, cũng cho rằng, diễn biến, tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể gây ra những rủi ro bất định.
Trong nước, TS. Đặng Đức Anh nhận định, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI, nhất là dựa vào một số mặt hàng chủ lực, một số doanh nghiệp lớn như Samsung, Formosa, nên khi những mặt hàng này có biến động là sẽ tác động ngay đến nền kinh tế. Rủi ro hiện hữu tiếp theo đến từ áp lực trả nợ nước ngoài rất lớn, trong 2 năm 2019 - 2020 có nhiều khoản nợ đến hạn. Trả nợ lớn, chi thường xuyên tuy giảm nhưng tăng chi đầu tư phát triển không nhiều, ảnh hưởng đến đầu tư cho nền tảng hạ tầng để phát triển dài hạn.
Còn theo bà Phạm Chi Lan, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể khiến hàng hóa Trung Quốc quay sang Việt Nam. Việc này sẽ có hai tác động lớn, thứ nhất là hàng hóa Trung Quốc cạnh tranh với hàng hóa trong nước, thứ hai là khiến doanh nghiệp Việt Nam mất động lực sáng tạo, bởi vì việc nhập khẩu hàng hóa, máy móc thiết bị của Trung Quốc sẽ rẻ hơn là đổi mới công nghệ, sáng tạo. Công nghiệp hỗ trợ trong nước bao nhiêu năm không phát triển được cũng do nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ hơn nhiều.
Nói về rủi ro tăng trưởng kinh tế ngày càng phụ thuộc vào khu vực FDI, bà Phạm Chi Lan chỉ ra một rủi ro tiềm ẩn đến từ con số FDI phi chính thức, ngoài con số công bố. Ví dụ qua các kênh mua bất động sản; ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp tư nhân trong nước vay lượng tiền rất lớn… Đó là những cách đưa dòng tiền phi chính thức vào, khó kiểm soát và nhiều rủi ro.