Kinh tế Mỹ bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm hơn

0:00 / 0:00
0:00
Sự phục hồi kinh tế Mỹ sau cú sốc mà đại dịch Covid-19 gây ra trong năm 2020 có thể đã đạt đỉnh trong quý 2 vừa qua...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đang bước vào một giai đoạn tăng trưởng chậm hơn, nhưng các chuyên gia kinh tế tin tưởng rằng đà tăng vững chắc sẽ được duy trì sang năm 2022 bất chấp biến chủng Delta hoành hành.

Sự xuất hiện của Covid-19 đã đẩy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ sụt giảm 31,4% (số liệu đã được hiệu chỉnh yếu tố mùa vụ và quy đổi thành tốc độ tăng/giảm hàng năm) trong quý 2/2020, một cú giảm thuộc loại mạnh nhất trong lịch sử nước này. Tuy nhiên, theo một báo cáo mới đây từ Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER), GDP chỉ giảm trong hai tháng 3 và 4/2020 rồi chuyển sang hồi phục, đánh dấu đợt suy thoái ngắn nhất từng ghi nhận ở Mỹ. Sự phục hồi mạnh mẽ sau đó đã diễn ra, đưa kinh tế Mỹ tăng trưởng 33,1% trong quý 3/2020 - mức tăng mạnh nhất trong lịch sử Mỹ.

Các cơ sở kinh doanh mở cửa trở lại, tỷ lệ tiêm chủng đạt mức cao, người tiêu dùng mạnh tay chi tiêu nhờ những gói kích cầu khổng lồ của Chính phủ Mỹ, và chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chính là “đơn thuốc” phục hồi của kinh tế Mỹ. Đà phục hồi nhờ đó đã duy trì suốt từ quý 3 năm ngoái đến nay.

Một cuộc khảo sát do tờ Wall Street Journal thực hiện mới đây cho thấy giới chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ đạt tỷ lệ tăng trưởng 9,1% trong quý 2 vừa qua. Đây sẽ là mức tăng mạnh thứ nhì của kinh tế Mỹ kể từ năm 1983, chỉ kém mức tăng ghi nhận vào quý 3/2020, và có thể đưa GDP của Mỹ trở lại ngưỡng trước đại dịch.

KINH TẾ MỸ CÓ THỂ ĐÃ QUA ĐỈNH

“Chúng ta đã bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng khiêm tốn hơn”, chuyên gia kinh tế trưởng Ellen Zentner của Morgan Stanley nhận định. “Chúng ta đã đi qua đỉnh tăng trưởng, nhưng điều đó không có nghĩa là một điều tồi tệ sắp xảy ra, chẳng hạn như nền kinh tế sắp sụt tốc mạnh mẽ”.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng vững trong vòng một năm tới đây, nhờ được hỗ trợ bởi các sự tăng trưởng của thị trường việc làm, lượng tiền tiết kiệm lớn được người dân đưa vào chi tiêu, và chính sách hỗ trợ tài khoá tiếp tục. Trong dài hạn hơn, các chuyên gia nói kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc về ngưỡng ổn định phù hợp với thời kỳ hậu đại dịch.

Cuộc khảo sát dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 7% trong quý 3 năm nay, rồi giảm tốc dần về mức 3,3% trong quý 2/2022. Nền kinh tế được dự báo tăng tăng trưởng 6,9% trong cả năm 2021; 3,2% trong năm 2022 và 2,3% trong năm 2023.

“Sự giảm tốc là hoàn toàn bình thường. Không thể có chuyện nền kinh tế giữ mãi mức tăng trưởng 9%”, chuyên gia kinh tế trưởng Michael Feroli của JPMorgan Chase phát biểu. “Chúng tôi cảm thấy rất lạc quan rằng kinh tế Mỹ vẫn có mức tăng trưởng cao hơn xu hướng trong nửa sau của năm nay”.

Tiêu dùng là một trụ cột quan trọng của tăng trưởng kinh tế Mỹ trong nửa đầu năm nay. Chi tiêu dùng của người dân nước này tăng 5% trong tháng 3, sau khi Quốc hội Mỹ triển khai gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD bao gồm nội dung phát séc 1.400 USD cho phần lớn hộ gia đình ở nước này. Số tiền kích cầu này đến tay người dân Mỹ đúng vào thời điểm nhiều người Mỹ được tiêm phòng Covid và ra ngoài mua sắm nhiều hơn khi các nhà cung cấp dịch vụ bắt đầu mở cửa trở lại. Sau đó, tiêu dùng tăng chậm lại, với mức tăng 0,9% trong tháng 4 và gần như đi ngang trong tháng 5.

Tuy nhiên, tiêu dùng vẫn có thể đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế Mỹ trong nửa sau của năm 2021. Thứ nhất, hàng triệu người Mỹ đang thất nghiệp hoặc chưa có ý định tìm việc làm có thể sẽ tìm được công việc, theo đó có thêm thu nhập để chi tiêu. Và thứ hai, người dân Mỹ đã tiết kiệm được một lượng tiền lớn trong thời gian đại dịch, đồng nghĩa với khả năng chi tiêu tăng mạnh khi các dịch vụ mở cửa trở lại. Trong tháng 5, mức tiết kiệm cả năm của người Mỹ đạt 2,3 nghìn tỷ USD, lớn gấp 2 lần so với con số của tháng 5/2012.

Lạm phát có thể đe doạ sức mua của người tiêu dùng Mỹ. Trong tháng 6 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất 13 năm. Dù vậy, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khẳng định rằng lạm phát cao chỉ là tạm thời do các yếu tố nhất thời khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Các chuyên gia được Wall Street Journal khảo sát cũng đồng tình với quan điểm này, cho rằng CPI của Mỹ sẽ giảm về 4,1% trong tháng 12 năm nay và 2,5% vào cuối năm 2022.

Ngoài ra, chính sách kích cầu của Chính phủ liên bang cũng chưa hoàn toàn kết thúc. Cách đây ít ngày, Chính phủ Mỹ bắt đầu gửi khoản hỗ trợ hàng tháng tối đa 300 USD mỗi trẻ em trong khuôn khổ chương trình tín dụng thuế trẻ em mở rộng.

BIẾN CHỦNG DELTA CÓ ĐE DOẠ KINH TẾ MỸ

Nhưng tất cả điều trên không có nghĩa là giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của kinh tế Mỹ không có rủi ro.

Đầu tiên phải kể đến một số yếu tố giá cả có thể khiến lạm phát cao trở thành một vấn đề dai dẳng thay vì tạm thời. Trong đó cơn sốt giá nhà là một ví dụ. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Quốc gia các nhà kinh doanh bất động sản Mỹ (NAR), giá nhà trung bình ở nước này trong tháng 5 là 350.300 USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức giá cao nhất trong lịch sử và đánh dấu tháng tăng thứ 111 liên tiếp.

Rủi ro thứ hai đến từ thị trường lao động. Thị trường việc làm Mỹ đang phục hồi với tốc độ chậm chạp hơn so với dự kiến mà nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra hồi đầu năm nay. Số lượng việc làm ở Mỹ hiện đang ít hơn 7 triệu công việc so với trước đại dịch và một số trở ngại đối với tăng trưởng việc làm có thể sẽ kéo dài. Do Covid-19, nhiều người Mỹ đã nghỉ hưu sớm hơn kế hoạch và không bao giờ trở lại tìm việc làm. Nhiều người đã mất việc một thời gian dài, đặt ra nguy cơ mai một các kỹ năng cần thiết cho công việc. Tình trạng lệch pha giữa các ngành nghề và doanh nghiệp đang thiếu nhân công với nhu cầu tìm việc của người lao động cũng có thể cản trở thị trường lao động hồi phục trong nhiều tháng.

Một rủi ro lớn khác phải đề cập đến đối với kinh tế Mỹ hiện nay là sự lây lan của biến chủng Delta. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nói rằng Delta sẽ không cản được sức mạnh phục hồi của kinh tế Mỹ trong nửa sau của năm nay.

“Biến chủng Delta là một rủi ro có thể gây giảm tốc tăng trưởng kinh tế Mỹ, nhưng rủi ro này bị lấn át bởi những yếu tố nền tảng đang rất mạnh của nền kinh tế”, chuyên gia kinh tế trưởng Oren Klachkin của Oxford Economics nói với Wall Street Journal. “Người tiêu dùng đang có nhiều tiền mặt để tiêu và sẵn sàng tiêu cho những hoạt động mà họ không thể có được trong suốt 18 tháng. Ngoài ra, ở thời điểm hiện tại, có vẻ như vaccine có khả năng giữ cho số ca nhiễm mới Covid-19 không bùng nổ”.

Với quan điểm lạc quan hơn nhiều nhà dự báo khác, Oxford Economics giữ nguyên dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý 3 năm nay đạt gần 9%. Một tổ chức dự báo khác là Capital Economics thì cho rằng kinh tế Mỹ có thể giảm tốc do lạm phát, nhưng cũng không cho rằng biến chủng Delta là một trở ngại lớn.

Tin cùng chuyên mục