Một người đeo khẩu trang đi bộ dọc theo phố Wall, New York.Ảnh: Reuters |
Khi nền kinh tế tăng trưởng liên tục đến năm thứ 11 và lãi suất vay ở mức cực thấp thì nợ của doanh nghiệp cũng nhờ thế phình to. Hiện nay, nợ của khối doanh nghiệp Mỹ đã vượt qua nợ hộ gia đình, lần đầu tiên kể từ năm 1991.
Hơn nữa, việc vay mượn lại ngày càng tập trung vào các công ty có rủi ro cao, vốn ít nguồn lực tài chính để vượt qua những khó khăn do Covid-19 gây ra. Làn sóng vỡ nợ sẽ làm trầm trọng thêm tác động kinh tế của dịch bệnh. "Đây sẽ là một áp lực suy thoái kinh tế ở Mỹ", Nariman Behravesh, Kinh tế trưởng tại IHS Markit, bình luận.
Các công ty năng lượng đặc biệt dễ bị tổn thương, do giá dầu giảm. Nhưng họ không đơn độc. Trái phiếu của các hãng du lịch, ví dụ như American Airlines và Hertz Global Holdings, cùng các rạp phim và sòng bạc, đã bị ảnh hưởng nặng.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell bác bỏ các so sánh giữa nợ doanh nghiệp với bong bóng nợ nhà ở trước khủng hoảng. Ông cho rằng hệ thống tài chính hiện có khả năng xử lý các khoản lỗ tín dụng tốt hơn. Nhưng ông thừa nhận một số doanh nghiệp nợ có thể phải đối mặt với những căng thẳng nghiêm trọng nếu nền kinh tế xấu đi. Các doanh nghiệp này cũng sẽ lan tỏa tác động đến nền kinh tế thông qua việc sa thải công nhân và cắt giảm đầu tư.
Fed đang cố gắng nâng đỡ nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp trước sự tấn công của Covid-19 bằng cách cắt giảm lãi suất và bơm tiền vào hệ thống tài chính. Ông Nariman Behravesh nói rằng Quốc hội và Nhà Trắng cũng sẽ phải hành động. "Chúng ta sẽ cần họ thành lập một quỹ cứu trợ, và quyết định phân bổ đến những đâu", vị chuyên gia nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên hôm thứ hai (9/3) là sẽ tìm cách cắt giảm thuế quỹ lương, nhất là trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, vài giờ sau khi thị trường chứng khoán có phiên giảm tệ nhất 12 năm.
Có khoảng 1.300 tỷ USD trái phiếu lãi suất cao đang lưu hành, tăng từ 786 tỷ USD một thập kỷ trước. Quy mô thị trường tín dụng đã tăng hơn gấp đôi, lên 6.000 tỷ USD trong cùng kỳ. Gần một nửa thị trường trái phiếu hiện được xếp hạng tín dụng BBB, có nghĩa là nó có thể bị hạ cấp xuống mức không nên đầu tư nếu nền kinh tế lao dốc.
Trong thị trường cho vay với đòn bẩy 1.150 tỷ USD, nhiều người đi vay đã điều chỉnh lợi nhuận của mình để giảm tỷ lệ nợ. Một khi suy thoái đến, điểm yếu của họ có thể bị phơi bày. Các nhà phân tính của Barclays tính toán rằng, những người thu mua nợ của Mỹ sẽ chỉ có thể thu hồi 55 đến 60 cent trên một USD tiền nợ, so với 67 cent trong lịch sử, do các công ty đã tính toán thu nhập đáng ngờ và tăng nợ.
Khi không còn cơ hội tiếp cận các kênh tài chính lớn, các công ty tuyệt vọng đang chuyển sự chú ý sang thị trường tín dụng tư nhân trị giá 812 tỷ USD. Nhưng đó có thể không phải là bài thuốc chữa bệnh.
Matthew Mish, Chiến lược gia tín dụng của UBS, cho biết sự chậm lại trong chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể gây tổn hại đặc biệt cho các khoản vay hợp vốn và tín dụng tư nhân, vốn phần lớn là nợ xếp loại B trở xuống. Khoản nợ đó là một trong những rủi ro cao nhất. Khi có biến động xấu, nó có thể bị hạ cấp còn CCC, tức mức thấp nhất.
"Các công ty có các bảng cân đối tài chính dễ bị tổn thương, nghĩa là ít tiền, nợ đáo hạn cao, sẽ gặp khó khăn trong việc chi trả", ông Mohammed El-Erian, Cố vấn kinh tế tại Allianz SE, nhận định. "Sẽ có sự gia tăng của nợ xấu", ông nói.