Ảnh minh họa: Internet |
Số liệu từ Cục Phân tích kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 27/10 cho thấy, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ 2,6%/năm tính đến quý III, sau khi giảm 1,6% trong quý I và giảm 0,6% trong quý II. Mức tăng trưởng này cao hơn so với dự báo tăng 2,4% được các nhà kinh tế đưa ra trước đó, theo dữ liệu từ Refinitiv.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá cao sự phục hồi của nền kinh tế trong quý III, miêu tả báo cáo này như một “bằng chứng nữa cho thấy sự phục hồi kinh tế tiếp tục tiến về phía trước”.
Trong khi báo cáo GDP mới nhất cho thấy rằng kinh tế Mỹ hiện không suy thoái, nhưng giới chuyên gia cảnh báo điều này không có nghĩa là một cuộc suy thoái đang tới gần không thể xảy ra.
Phần lớn sự tăng trưởng này đến từ việc cân bằng lại giữa nhập khẩu và xuất khẩu, với lượng hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ giảm xuống do người tiêu dùng thay đổi xu hướng chi tiêu mua sắm hàng hoá trong thời gian đại dịch sang chi nhiều hơn cho các dịch vụ như du lịch và ăn nhà hàng. Tiêu dùng tăng 1,4% trong quý II, mức tăng tốt hơn dự báo, nhưng giảm tốc so với hai quý đầu năm.
“Loại trừ những yếu tố có tính biến động cao, triển vọng tăng trưởng đang yếu đi. Thị trường nhà đất xấu đi, lạm phát dai dẳng, cùng với đó là sự quyết liệt của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đặt nền kinh tế vào một vị thế thiếu chắc chắn trong năm 2023”, Chuyên gia kinh tế trưởng Jeffrey Roach tại LPL Financial nhận định.
Kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới
Hai quý GDP suy giảm liên tiếp như nửa đầu năm nay của kinh tế Mỹ đáp ứng định nghĩa một cuộc suy thoái kỹ thuật. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng, một cuộc suy thoái thực sự phải có sự suy giảm sâu hơn, rộng hơn và kéo dài hơn trong hoạt động kinh tế. Hai quý đầu năm nay, thị trường lao động Mỹ vẫn nóng, tiêu dùng tăng mạnh và đầu tư của doanh nghiệp vẫn mạnh mẽ.
Theo giới chuyên gia, sự suy giảm GDP trong nửa đầu năm của kinh tế Mỹ không phản ánh chuẩn xác hoạt động sôi nổi trong nền kinh tế, chính sự khởi sắc của quý III lại che đậy một sự sụt giảm tiềm tàng.
Các biến số lớn nhất đối với tăng trưởng GDP của Mỹ trong 9 tháng qua là xuất khẩu ròng và lượng hàng tồn kho, trong khi hai hạng mục vốn không có ảnh hưởng lớn đến như vậy.
Trong 6 tháng đầu năm nay, thâm hụt thương mại của Mỹ gia tăng do phụ thuộc vào nhập khẩu ngày càng tăng bởi các ngành sản xuất trong nước không thể đáp ứng nhu cầu hàng hoá tăng vọt. Lượng hàng hoá tồn kho của các doanh nghiệp cũng giảm sâu vì tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, trong quý III, tình hình thương mại và hàng tồn kho được cải thiện. Các vấn đề chuỗi cung ứng dần được gỡ bỏ, thâm hụt thương mại giảm do người tiêu dùng chuyển sang dùng dịch vụ nhiều hơn thay vì mua hàng hoá dẫn tới nhập khẩu giảm.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Andrew Patterson của Công ty quản lý quỹ đầu tư Vanguard cho rằng, sự suy giảm xuất khẩu, cùng với đó là suy giảm đầu tư vào các dự án bất động sản và sự giảm tốc của tiêu dùng phản ánh sự suy yếu của nhu cầu trên diện rộng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, đây chính là điều mà Fed mong muốn khi triển khai các đợt tăng lãi suất mạnh tay nhằm hạ nhiệt lạm phát.
“Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy chính sách của Fed đang mang lại kết quả như mong đợi”, ông Patterson nói.
Reuters: Fed có thể dừng tăng lãi suất khi lạm phát giảm một nửa
Bất chấp GDP hồi mạnh, nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ vẫn còn đó.
“Tôi cho rằng, khả năng suy thoái kinh tế trong năm 2023 là 50 - 50”, Chuyên gia kinh tế trưởng Gus Faucher tại PNC Financial Services Group nhận xét. “Chúng ta đang bắt đầu chứng kiến tăng trưởng việc làm chậm lại, thị trường bất động sản gây trở ngại lớn hơn, tăng trưởng tiêu dùng cũng chậm lại và lãi suất có khả năng sẽ còn tăng cao hơn nữa. Điều đó có nghĩa là suy thoái sẽ xảy ra trong năm tới”, ông Faucher cho biết.