Ảnh Internet |
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,6%
Đánh giá chung về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2016, ông Nguyễn Khắc Định – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, nhìn chung nguồn cung hàng hóa, dịch vụ dồi dào, giá cả thị trường trong và sau Tết khá ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 0,49% so với tháng trước, tăng 1,27% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 2 tháng đầu năm, CPI tăng 1,03% so với tháng trước và tăng 1,93% so với cùng kỳ năm trước.
Về thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN), lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/2, tổng thu NSNN ước đạt 160,1 nghìn tỷ đồng, bằng 15,8% dự toán, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi NSNN ước đạt 185,59 nghìn tỷ đồng, bằng 14,6% dự toán, tăng 5,2%.
Về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, ông Nguyễn Khắc Định cho biết, nhìn chung sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển; sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất - nhập khẩu 2 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiếp tục tăng cao cho thấy các tín hiệu cải thiện về sức mua và tổng cầu. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm tăng 6,6%. Các chỉ số về sản xuất, phân phối điện, cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải, về công nghiệp chế biến, chế tạo đều tăng lần lượt là 12,8%, 9,2% và 8,5%.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, các thành viên Chính phủ đánh giá, mặc dù gặp nhiều khó khăn do diễn biến thời tiết không thuận lợi nhưng vẫn phát triển khá ổn định, bảo đảm nguồn cung trong và sau dịp Tết Nguyên đán.
Giá dầu chưa có dấu hiệu hồi phục
Theo ông Nguyễn Khắc Định, để đạt được kết quả này, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/1/2016 của Chính phủ và các chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá cả, thị trường…
Tuy nhiên, theo nhận định của các thành viên Chính phủ, mặc dù kinh tế - xã hội đạt được những kết quả khả quan nêu trên, nhưng sự phục hồi còn chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giá dầu ở mức thấp, chưa có hướng hồi phục; chính sách tài chính, tiền tệ thế giới diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tới nhiều mặt của nền kinh tế Việt Nam, nhất là xuất nhập khẩu, tỷ giá, thu chi NSNN… Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và tăng cường phối hợp thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, phấn đấu thực hiện thắng lợi, đạt mức cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu của năm 2016.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô và tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Tiếp tục theo dõi sát tình hình, điều hành chủ động, linh hoạt kết hợp chặt chẽ giữa các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa, thương mại và đầu tư… để vừa ổn định vĩ mô, vừa tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra 6,7%, tạo nền tảng vĩ mô vững chắc cho tăng trưởng cao hơn cho những năm tiếp theo.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo việc thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là cải cách thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân các dự án, nhất là công trình kết cấu hạ tầng, bảo đảm tiến độ.
Các bộ, ngành, cơ quan chuẩn bị và hoàn thiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; Kế hoạch tài chính và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020, Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016, các dự án luật… để báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quốc hội.