Kinh tế quý I: Tăng trưởng khá, đối mặt nhiều thách thức

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kinh tế quý I đã trở lại đà tăng trưởng tích cực với các động lực hồi phục bền vững. Trong những tháng còn lại của năm, việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kịp thời và quyết liệt của Chính phủ sẽ giúp nền kinh tế vượt qua các trở ngại từ giá cả hàng hóa leo thang, diễn biến dịch bệnh phức tạp để tiếp đà tăng tốc và hoàn thành mục tiêu cả năm.
GDP quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Tiên
GDP quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Tiên

Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/3 cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I/2020 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý I/2019.

Theo TS. Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam quý I/2022 đạt được mức tăng trưởng khá trên các lĩnh vực.

Nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 5,03% là mức tăng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I/2022 tăng 1,92% so với cùng kỳ năm 2021. Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng khá cao khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý I/2022. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt mức cao.

Sang quý II, theo bà Hương, động lực tăng trưởng sẽ đến từ các ngành thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến do cầu thế giới tăng và thị trường được khôi phục. Bán buôn, bán lẻ, vận tải, lưu trú, ăn uống, vui chơi, giải trí sẽ có lực tăng trưởng cao nhờ chính sách mở cửa thị trường du lịch... sau hơn 1 năm qua suy giảm. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ sớm khôi phục cầu sản xuất, đầu tư và tiêu dùng trong nước, từ đó thúc sản xuất phát triển.

Tuy nhiên, bà Hương cho rằng, kinh tế - xã hội còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, giá hàng hóa thiết yếu tăng cao, nguy cơ lạm phát cao trên toàn cầu. Dịch Covid-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng trên thế giới còn diễn biến phức tạp.

Do đó, kinh tế Việt Nam năm 2022 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% theo Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2022 là thách thức lớn.

Ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia thuộc Tổng cục Thống kê cho biết, căn cứ diễn biến của quý I và việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ, Tổng cục Thống kê cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng của các quý còn lại và cả năm.

Ở kịch bản thấp với giả định xung đột Nga - Ukraine vẫn căng thẳng trong thời gian tới, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, hoàn thành phổ cập tiêm vaccine mũi 3 diện rộng, hoạt động kinh tế duy trì như hiện nay thì tăng trưởng kinh tế quý II đạt khoảng 5,5%, quý III đạt 7,5%, quý IV đạt 6,1%, đưa GDP cả năm đạt mức tăng 6%.

Ở kịch bản cao với giả định xung đột Nga - Ukraine hạ nhiệt trong thời gian tới, dịch Covid-19 được kiểm soát, hoàn thành phổ cập tiêm vaccine mũi 3 cho mọi người dân, hoạt động kinh tế mở rộng từ quý II, GDP quý II tăng 6,1%, quý III tăng 8% và quý IV tăng 6,7%, giúp GDP cả năm đạt mức tăng 6,5%.

Để tiếp tục khôi phục tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, một số giải pháp trọng tâm được Tổng cục Thống kê đề xuất là triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022 - 2023; bảo đảm giải ngân hết 100% số vốn đầu tư công được giao.

Đồng thời, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm nguồn cung, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thúc đẩy sản xuất trong nước tiến tới tự chủ về nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu. Đẩy nhanh các dự án điện đảm bảo đáp ứng nhu cầu khi sản xuất tăng cũng như nhu cầu của người dân trong những tháng hè sắp tới.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Khẩn trương khôi phục thị trường du lịch, tạo thuận lợi cho lưu chuyển hành khách quốc tế, trong nước, hỗ trợ phù hợp các doanh nghiệp du lịch gắn với an toàn dịch bệnh đón mùa du lịch sắp tới.

Ngoài ra, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh.