Kinh tế tháng 8 chuyển biến rõ nét

(BĐT) - Kinh tế tháng 8 đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Lúc này, khả năng hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của năm 2017 đã rõ ràng hơn, tất nhiên vẫn cần sự tiếp tục nỗ lực cao, không lơ là, chủ quan của tất cả các bộ, ngành, địa phương trong các tháng còn lại của năm.
Nhiều tín hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế của năm 2017 có thể đạt được 6,7%. Ảnh: Tường Lâm
Nhiều tín hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế của năm 2017 có thể đạt được 6,7%. Ảnh: Tường Lâm

Có thể cán đích các chỉ tiêu tăng trưởng

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy nhiều chỉ báo lạc quan về tình hình kinh tế tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2017. Đặc biệt là hai số liệu liên quan đến doanh nghiệp, một về doanh nghiệp trong nước và một về doanh nghiệp nước ngoài.

Đó là trong 8 tháng đầu năm, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và quy mô vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, quy mô vốn đăng ký tăng mạnh 44,8%; số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2016; tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh ở hầu hết các ngành và số lượng lao động đăng ký giảm, cho thấy doanh nghiệp đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hơn.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh so với cùng kỳ 2016 về số vốn đăng ký. Cụ thể, từ đầu năm tới nay, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 8 tháng đạt 23,4 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 8 tháng cũng tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Những con số này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài cũng như của khối doanh nghiệp trong nước vào môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ. Đặc biệt, số dự án FDI đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước cho thấy nhà đầu tư đã hoạt động, kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam và có kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Từ kết quả kinh tế 8 tháng, báo cáo của Bộ KH&ĐT tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra ngày 30/8/2017 đưa ra dự báo, tăng trưởng kinh tế của năm 2017 có thể đạt được 6,7%. Lạm phát được kiểm soát tốt, ước chỉ số giá CPI bình quân năm 2017 đạt mục tiêu Quốc hội giao là dưới 4%.

Tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, tháng 8 vừa qua là tháng có kết quả thực hiện các nhiệm vụ tốt nhất từ đầu năm tới nay. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, giá cả tăng không đáng kể. Đặc biệt là xuất khẩu tăng hơn 18%, đổi hướng cán cân thương mại từ nhập siêu trong tháng 7 sang xuất siêu khá lớn trong tháng 8.

“Nếu tháng nào cũng đạt kết quả tốt thế này, nếu mọi cấp, mọi ngành đều có tinh thần phấn đấu cao, nhất là ở những ngành, địa phương trọng điểm thì triển vọng kết quả của cả năm 2017 sẽ rất tốt”, Thủ tướng nhận định.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần tránh tâm lý chủ quan, phải luôn nỗ lực, dự phòng cả những rủi ro như thiên tai. Đặc biệt, phải lưu ý giải quyết một số tồn tại, yếu kém về giải ngân vốn đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. 

Vào cuộc thực sự để cắt giảm “giấy phép con, giấy phép cháu”

Giải pháp giảm chi phí, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp tiếp tục được trao đổi nhiều tại phiên họp Chính phủ tháng 8, dù phiên họp Chính phủ tháng 7 đã dành nhiều thời gian thảo luận chuyên đề về nội dung này.

Một tháng sau những mệnh lệnh mạnh mẽ được đưa ra tại phiên họp tháng 7, Thủ tướng Chính phủ đánh giá, mặc dù thời gian qua các cấp, các ngành đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên, “giấy phép con, giấy phép cháu” vẫn còn nhiều, còn nhiều đơn vị chưa chuyển biến. Thủ tướng cho biết, nhiều doanh nghiệp phản ánh chu kỳ sản phẩm sản xuất ra đã vất vả rồi nhưng thủ tục để đưa vào tiêu thụ, xuất khẩu còn phức tạp hơn. Có ý kiến nói rằng là nuôi gà chỉ mất 40 ngày nhưng thủ tục để tiêu thụ gà, xuất khẩu gà thì còn phức tạp, dài ngày hơn nuôi gà.

Bên cạnh đó, gánh nặng thuế, phí đối với doanh nghiệp còn lớn, một số phí như phí BOT còn cao, đặt trạm thu phí còn bất hợp lý, gây bức xúc. Theo thống kê, tổng phí vận tải doanh nghiệp phải đóng lên tới 70 loại. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải tập trung tháo gỡ; Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải lưu ý các quy định hiện hành về phí BOT để có giải pháp giải quyết, tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Ngoài ra, chi phí kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn lớn, với tỷ lệ lô hàng kiểm tra chuyên ngành lên tới 30%. Mục tiêu đặt ra phải giảm còn 15% nhưng một số bộ, ngành chuyển biến còn chậm.

Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng đề xuất giải pháp cụ thể, phải thực sự vào cuộc để tháo gỡ gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá cao những quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ để cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Theo ông Nam, nếu giảm được khoảng 2.000 điều kiện kinh doanh như đề xuất của Bộ KH&ĐT, tức là giảm được khoảng một nửa điều kiện kinh doanh hiện hành, thì thời gian thực hiện thủ tục hành chính của doanh nghiệp sẽ giảm được đáng kể. Ông Nam trông chờ, những mệnh lệnh quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm được hiện thực hóa, nhanh chóng đi vào thực tiễn, để thực sự tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục