Kinh tế thế giới trước những biến số khó lường

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tăng trưởng mạnh hơn và lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến là những tin tốt, cho thấy nền kinh tế thế giới đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, một số rủi ro chưa được phản ánh hết và còn nhiều biến số khó lường.
Nền kinh tế Trung Quốc chật vật hồi phục sau đại dịch khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu mất đi động lực
Nền kinh tế Trung Quốc chật vật hồi phục sau đại dịch khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu mất đi động lực

Đang đi đúng hướng

Trong báo cáo mới nhất (25/7/2023) cập nhật tình hình kinh tế thế giới và dự báo tăng trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), một số tín hiệu tích cực đã được ghi nhận, mà thể hiện rõ nét nhất ở việc nâng dự báo tăng trưởng so với báo cáo được công bố vào tháng 4.

Cụ thể, IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 lên mức 3%, so với con số 2,8% đưa ra trước đó. Lạm phát toàn cầu cũng hạ từ mức 8,7% năm 2022 xuống 6,8% năm nay và 5,2% năm 2024.

Kịch bản tăng trưởng này được đưa ra dựa trên việc đại dịch đã chính thức lùi lại phía sau, đứt gãy chuỗi cung ứng được khôi phục lại mức trước đại dịch. Giá năng lượng và thực phẩm cũng đã đi xuống đáng kể so với mức đỉnh gần nhất, giúp áp lực lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến. Những rung lắc của thị trường tài chính trong tháng 3/2023 sau sự kiện loạt ngân hàng địa phương sụp đổ đã được kiểm soát tốt nhờ sự can thiệp sớm của chính quyền Mỹ và Thuỵ Sỹ.

“Nền kinh tế toàn cầu tiếp tục hồi phục sau đại dịch và xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức trước mặt và vẫn còn sớm để ăn mừng", Pierre-Olivier Gourinchas, chuyên gia kinh tế trưởng IMF chia sẻ.

Nhìn vào dự báo tăng trưởng toàn cầu, khu vực tăng trưởng cao nhất là nhóm các thị trường mới nổi, đang phát triển, với dự báo tăng trưởng 4,1% năm 2023, so với mức 3,1% năm 2022 và chậm lại vào năm 2024. Xu hướng suy giảm tăng trưởng tập trung ở nhóm nền kinh tế phát triển, nơi tăng trưởng GDP sẽ giảm từ mức 2,7% năm 2022 xuống 1,5% năm nay và 1,4% năm 2024.

Nhận diện rủi ro

Một trong những rủi ro hàng đầu được IMF gọi tên là những dấu hiệu cho thấy các hoạt động kinh tế toàn cầu mất dần động lực. Chính sách thắt chặt tiền tệ khiến lãi suất tăng, tạo áp lực lên các hoạt động kinh tế, tăng trưởng tín dụng chậm lại, gia tăng các khoản nợ phải trả và thị trường bất động sản chịu hệ lụy.

Các nhà điều hành chính sách tại Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu… đã liên tiếp nâng lãi suất trong 1 năm qua. Hiện tại, câu hỏi đã thay đổi, không phải lãi suất sẽ cao tới mức nào mà là môi trường lãi suất cao sẽ kéo dài trong bao lâu.

Nền kinh tế Eurozone đã rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật từ đầu năm 2023 và tăng trưởng của khu vực này dự đoán đạt khoảng 1% trong năm nay. Số liệu mới công bố ngày 23/8 cho thấy, hoạt động kinh tế ở khu vực Eurozone trong tháng 8 tiếp tục giảm sâu, nhất là Đức - nền kinh tế đầu tàu khu vực, khi sự sụt giảm của ngành sản xuất đã lan sang khu vực dịch vụ.

Đặc biệt, việc nền kinh tế Trung Quốc chật vật hồi phục sau đại dịch cũng khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu mất đi động lực, kéo lùi hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều khu vực có mối liên kết kinh tế. Số liệu mới nhất công bố giữa tháng 8/2023 cho thấy, ngay cả khi Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một số chính sách hỗ trợ kinh tế, hạ lãi suất, hoạt động sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ và xuất khẩu đều yếu hơn dự báo.

Sau nhiều năm nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, các nền kinh tế toàn cầu đã và đang đảo ngược chính sách, từ đó vấn đề nợ lại trỗi dậy. Báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (tháng 6/2023) cho thấy, nợ công trung bình đã ở mức khoảng 70% GDP. Lãi suất cao hơn khiến các chi phí gia tăng, ăn mòn ngân sách có hạn của nhiều quốc gia.

Theo Euromonitor, kinh tế Trung Quốc suy giảm với tiêu dùng và đầu tư đi xuống sẽ tạo tác động tiêu cực lên nền kinh tế toàn cầu. Trong kịch bản kinh tế Trung Quốc giảm tốc, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm hơn khoảng 0,1 - 0,5% trong giai đoạn 2023 - 2024. Các quốc gia có mối liên kết thương mại chặt chẽ với Trung Quốc sẽ là đối tượng chịu tổn thương lớn nhất.

“Không giống như giai đoạn đại suy thoái, Trung Quốc không còn là động lực hồi phục của nền kinh tế toàn cầu hậu đại dịch. Nền kinh tế Trung Quốc đối diện áp lực giảm tốc, tăng trưởng tiếp tục chậm lại, khiến nền kinh tế toàn cầu vốn đang khó khăn lại chịu thêm gánh nặng”, Alfredo Montufar-Helu, Giám đốc Trung tâm Kinh tế và Kinh doanh Trung Quốc thuộc tổ chức The Conference Board cho biết.

Rủi ro thứ hai là lạm phát. Lạm phát cơ bản được dự báo sẽ giảm từ mức 6% năm 2023 xuống 4,7% năm 2024, nhưng đó là câu chuyện của năm tiếp theo. Hiện tại, mối lo ngại lớn là lạm phát cơ bản tại các nền kinh tế phát triển sẽ duy trì ở mức 5,1% trước khi giảm còn 3,1% năm 2024. Rõ ràng, trong cuộc chiến chống lạm phát, các ngân hàng trung ương toàn cầu chưa giành chiến thắng.

Hiện tại đã có tín hiệu lạc quan rằng lạm phát đang trong xu hướng giảm, lãi suất đã đạt đỉnh tại một số nền kinh tế. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục cẩn trọng và sẵn sàng sử dụng thêm các công cụ để bảo đảm sự an toàn tài chính.

Sau nhiều năm nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, các nền kinh tế toàn cầu đã và đang đảo ngược chính sách, từ đó vấn đề nợ lại trỗi dậy. Báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (tháng 6/2023) cho thấy, nợ công trung bình đã ở mức khoảng 70% GDP. Lãi suất cao hơn khiến các chi phí gia tăng, ăn mòn ngân sách có hạn của nhiều quốc gia. 14 nền kinh tế có thu nhập thấp đã đứng trước rủi ro khủng hoảng nợ và tình hình có thể lan rộng ra nhiều nền kinh tế hơn nữa.

Tại nhiều nền kinh tế, mối ưu tiên hàng đầu vẫn là ổn định lạm phát và đảm bảo an toàn tài chính. Tuy nhiên, hiện tại, các vấn đề kinh tế ngày càng phân hóa giữa các quốc gia và khu vực.

Mới đây, ngày 23/8, Hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS gồm 5 nền kinh tế mới nổi quy mô lớn là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã được tổ chức. Tại Hội nghị, các nước BRICS đã nhất trí kết nạp thêm 6 thành viên mới vào khối từ 1/1/2024, gồm: Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). 11 quốc gia BRICS có diện tích 48,5 triệu km2, chiếm 36% diện tích đất liền thế giới. Con số này cao hơn gấp đôi so với G7. Tổng dân số của BRICS sẽ lên tới 3,6 tỷ người, chiếm 45% tổng dân số toàn cầu và cao hơn G7 gấp 4 lần.

Việc đưa các quốc gia này vào một khối kinh tế với Nga và Trung Quốc sẽ đặc biệt thu hút sự chú ý của Mỹ và các đồng minh trong một môi trường địa chính trị phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh Bắc Kinh nỗ lực tăng ảnh hưởng ở Vịnh Ba Tư. Chưa kể, BRICS đang thúc đẩy việc thoát khỏi phụ thuộc vào đồng USD tại một số nơi trên thế giới. Điều này sẽ làm thị trường tài chính toàn cầu trở nên phức tạp hơn và những biến số đối với nền kinh tế thế giới từ đó cũng nhiều hơn.