Kinh tế toàn cầu có thể “bốc hơi” 2.000 tỷ USD vì Trái Đất ấm lên

Theo một nghiên cứu mới công bố ngày 19/7 của Liên hợp quốc, nhiệt độ ngày càng tăng lên do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 2.000 tỷ USD vào năm 2030 vì năng suất giảm tại những nơi nóng bức.
Ảnh minh họa. (Nguồn: cironline.org)
Ảnh minh họa. (Nguồn: cironline.org)

Nghiên cứu trên cho thấy riêng tại khu vực Đông Nam Á, thời gian làm việc hàng năm của các lao động trong điều kiện nhiệt độ cực cao có thể đã giảm 20%, và con số này sẽ tăng gấp hai lần vào năm 2050 do ảnh hưởng gia tăng của biến đổi khí hậu.

Nhà nghiên cứu Tord Kjellstrom cho hay có khoảng 43 quốc gia trên thế giới sẽ chứng kiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt giảm do năng suất lao động giảm. 

Phần lớn các nước này là ở châu Á như Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh. 

GDP của Indonesia và Thái Lan có thể giảm khoảng 6% vào năm 2030, trong khi GDP của Trung Quốc sẽ giảm khoảng 0,8% và tại Ấn Độ sụt giảm khoảng 3,2%.

Ông Kjellstrom nhận định điều kiện khí hậu hiện nay ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới đã rất nóng trong mùa khô nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng làm việc của nhiều người lao động. 

Do đó nhu cầu cần nghỉ ngơi ngày càng tăng lên "có khả năng sẽ trở thành một vấn đề đáng lưu ý."

Ông Kjellstrom cũng cảnh báo rằng những người lao động được trả mức lương thấp nhất, hay làm những công việc nặng trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp, thường có nguy cơ phải tiếp xúc hoặc hoạt động trong điều kiện nhiệt độ nắng nóng cao nhất. 

Vì thế, ông Kjellstrom kêu gọi các nước cần "hành động kiên quyết" để ngăn chặn tình trạng Trái đất đang ấm dần lên.

Một báo cáo khác cho thấy khoảng 2,1 triệu người trên toàn thế giới đã chết trong thời gian từ năm 1980 đến năm 2012 bởi gần 21.000 thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, lở đất, nhiệt độ nóng cực đoan, hạn hán, bão gió hoặc hỏa hoạn. 

Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 1,2 tỷ người đã bị tác động bởi 1.215 thảm họa, chủ yếu là lũ lụt, lốc xoáy và sạt lở đất kể từ năm 2000.

Hồi tháng Tư, 175 nước đã chính thức ký kết Thỏa thuận khí hậu Paris nhằm kiềm chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức "dưới 2 độ C” so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tin cùng chuyên mục