Kinh tế toàn cầu lần đầu tiên tăng trưởng âm kể từ khi Covid-19 xuất hiện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nền kinh tế toàn cầu trong quý II đã ghi nhận mức tăng trưởng âm đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện cách đây 2 năm, khi những tác động từ lạm phát gia tăng ở phương Tây cho đến chính sách Zero Covid ở Trung Quốc đang đè nặng lên hoạt động kinh tế.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế toàn thế giới đã thu hẹp trong quý II. Nhà phân tích Yoshimasa Maruyama tại SMBC Nikko Securities ước tính, GDP toàn cầu giảm 2,7% trong quý vừa qua.

Mỹ, Đức, Anh và Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng âm trong quý II. Trong đó, Mỹ hiện rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật sau khi GDP của nước này giảm trong quý thứ hai liên tiếp. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự báo, kinh tế Anh sẽ bước vào cuộc suy thoái từ tháng 10 đến tháng 12 và trải qua một đợt suy thoái đến năm 2023.

Theo một khảo sát của Nikkei với 10 nhà kinh tế trong khu vực tư nhân, 3 người dự báo Mỹ bước vào suy thoái trong năm nay hoặc nửa đầu năm 2023, trong khi 6 người khác đưa ra dự báo tương tự cho khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Tại Nhật Bản, GDP thực tế tăng 2,2% trong quý II so với cùng kỳ năm trước, trở lại mức trước đại dịch. Tuy nhiên, phần lớn tăng trưởng này không đến từ các yếu tố trong nước và tăng trưởng tiềm năng vẫn ở mức thấp. Sự sụt giảm nhu cầu ở nước ngoài cũng có thể khiến nền kinh tế nước này đi chệch hướng.

Những dự báo này được đưa ra khi nhu cầu về các thiết bị và dịch vụ kỹ thuật số vốn dẫn đầu quá trình phục hồi sau Covid-19 trên thế giới đã bắt đầu chậm lại.

"Một số khách hàng lớn nhất của chúng tôi đang giảm lượng hàng tồn kho với tốc độ chưa từng thấy trong thập kỷ qua", Giám đốc điều hành Patrick Gelsinger của Intel cho biết về doanh số bán máy tính vào cuối tháng 7. Trong quý II, Intel đã ghi nhận khoản lỗ ròng đầu tiên kể từ quý IV/2017.

Theo International Data Corp., các lô hàng máy tính cá nhân trên toàn thế giới giảm khoảng 15%, trong khi điện thoại thông minh giảm 9% trong quý II. Công ty nghiên cứu Gartner đã hạ dự báo tăng trưởng cho doanh thu bán dẫn toàn cầu năm nay từ mức 13,6% xuống 7,4%.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

"Mây đen" cũng đang hình thành trên thị trường hàng hóa. Giá đồng vốn rất nhạy cảm với sự thay đổi của nền kinh tế đang ở quanh mức 8.100 USD/tấn - thấp hơn gần 30% so với thời điểm xung đột Nga - Ukraine bắt đầu. Các kim loại công nghiệp như nhôm và niken trên diện rộng đang được bán với giá thấp hơn khoảng 10 - 20% so với thời điểm tương tự.

Triển vọng toàn cầu vẫn còn mờ mịt. Kinh tế Trung Quốc suy giảm 10% trong quý II so với cùng kỳ năm trước, khi lĩnh vực bất động sản - động lực chính cho tăng trưởng của nước này - vẫn trì trệ kể cả sau khi các biện pháp phong tỏa kéo dài nhiều tháng ở Thượng Hải được gỡ bỏ hồi tháng 6. Tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ Trung Quốc lên tới 19,9% trong tháng 7.

Căng thẳng tại Ukraine đã bóp nghẹt nguồn cung năng lượng của châu Âu. Vào tháng 7, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cung cấp khí đốt cho Đức ít hơn 80% so với kế hoạch trước đó. Công ty hóa chất BASF của Đức lo ngại việc không thể duy trì hoạt động dựa vào nguồn cung cấp khí đốt hiện tại.

Chi phí tiện ích tăng cao khiến các hộ gia đình phải thắt chặt chi tiêu. Doanh số bán lẻ của Đức vào tháng 6 đã giảm 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái - mức giảm lớn nhất kể từ năm 1994.

Lạm phát ở Eurozone tăng ba tháng liên tiếp trong tháng 7 với mức 8,9%. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 27/7 đã tăng lãi suất từ âm 0,5% lên 0%. Đây là lần đầu tiên ECB tăng lãi suất trong 11 năm nhằm ứng phó với tình trạng giá cả leo thang.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm cơ bản vào tháng 6 và tháng 7, đưa lãi suất lên 2,5% - một mức lãi suất "trung lập" được cho là ​​sẽ không hạ nhiệt hay thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, lạm phát trong nước vẫn ở mức trên 8%, làm dấy lên suy đoán rằng Fed có thể nâng lãi suất lên mức trên 3%.

Mặc dù lạm phát không được kiểm soát đang bóp nghẹt các hộ gia đình, nhưng việc tăng lãi suất quá nhanh có thể giáng một đòn mạnh vào một nền kinh tế. Mỹ và châu Âu hiện đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn để đạt được sự cân bằng mong manh giữa việc kiềm chế sự gia tăng lịch sử của giá tiêu dùng và chống lại suy thoái kinh tế.

Tin cùng chuyên mục